Hiện nay đi chùa cầu duyên là một trong những trào lưu rất được các bạn trẻ ưa chuộng đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh… Nếu có dịp tới Hà Nội và bạn vẫn đang độc thân thì hãy cùng Suckhoedothi.com khám phá top 5 ngôi chùa cầu duyên linh thiêng ở Hà Nội nhé!
Nội dung tóm tắt
Top 5 ngôi chùa cầu duyên ở Hà Nội
Chùa Hà
Địa chỉ: 86 phố Chùa Hà, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Giờ mở cửa: 6h00 – 18h00
Giá vé vào cửa: Miễn phí
Chùa Hà tên chữ Hán là Thánh Đức Tự, nằm trên một con phố nhỏ ở quận Cầu Giấy. Tương truyền chùa được vua Lê Thánh Tông xây dựng để bày tỏ lòng nhớ ơn các đại thần Nguyễn Trãi, Nguyễn Xí, Đinh Liệt đã cưu mang mình và phế bỏ Lê Nghi Dân để đưa mình lên ngôi vua vào năm 1460. Tuy trải qua lịch sử hàng trăm năm nhưng đến nay chùa Hà vẫn giữ được nét kiến trúc cổ kính và bền vững với thời gian.
Đã có rất nhiều câu chuyện kể lại về chuyện cầu tình duyên của những đôi nam nữ tại chùa Hà đã được toại nguyện, cả hai đều bên nhau hạnh phúc tới già. Thậm chí, có những người sau khi đi lễ chùa Hà Hà Nội khoảng 1 tháng về là có người yêu.
Cũng có người kể rằng sau khi đi chùa Hà làm lễ cầu duyên thì nửa năm sau đã lấy được người như ý. Hay có những người sau khi chia tay người cũ vẫn còn vương vấn muốn quay về bên nhau sau khi cầu xin tại chùa Hà đã quay lại kết tóc se duyên nên vợ thành chồng. Hoặc nếu chưa gặp được người như ý thì sau khi làm lễ tại chùa cũng có thể vơi bớt đi muộn phiền và nỗi khổ vì “tình”.
Những câu chuyện ấy được lan truyền từ người này đến người kia, từ nơi này qua nơi khác nên ngày càng có nhiều người tìm đến chùa Hà Cầu Giấy để cầu xin tình duyên.
>> Khám phá thêm: Hướng dẫn đi cầu duyên ở chùa Hà
Phủ Tây Hồ
Địa chỉ: 52 Đặng Thai Mai, Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội
Giờ mở cửa: 5h00 – 19h00
Giá vé vào cửa: Miễn phí
Không chỉ là chốn linh thiêng cầu tài lộc công danh nổi tiếng ở Hà Nội, Phủ Tây Hồ còn là một trong những ngôi chùa cầu duyên được đông đảo mọi người biết đến.
Phủ Tây Hồ thờ bà chúa Liễu Hạnh – một nhân vật truyền thuyết của lịch sử Việt Nam.
Tương truyền rằng bà là con gái của Ngọc Hoàng vì bất cẩn làm vỡ ly ngọc quý của vua cha nên bị đày xuống trần gian. Bà đã lựa chọn hồ Tây làm nơi sinh sống. Bà là người đức độ, tài hoa. Vì luôn giúp đỡ bảo vệ dân chúng nên được người dân tôn làm thánh mẫu.
Sau này, trạng nguyên Phùng Khắc Khoan trong một lần dạo chơi hồ Tây tình cờ gặp được bà chúa Liễu Hạnh đem lòng thương mến. Trong khoảng thời gian Phùng Khắc Khoan đi bái kiến vua quan, bà lại bất ngờ rời đi. Vì nhớ thương bà nên trạng và người dân đã lập nên phủ Tây Hồ để thờ bà.
Từ đó đến nay người dân vẫn gìn giữ đền thờ ấy, nay gọi là Phủ Tây Hồ nằm ngay cạnh hồ Tây.
>> Khám phá thêm: Cách thức đi lễ Phủ Tây Hồ bạn cần biết
Chùa Phúc Khánh
Địa chỉ: 382 Tây Sơn, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội
Giờ mở cửa: 5h00 – 21h00
Giá vé vào cửa: Miễn phí
Chùa Phúc Khánh được xây dựng vào thời Hậu Lê còn có tên gọi khác là chùa Sở.
Chùa được bài trí tôn nghiêm theo lối kiến trúc của Phật giáo và nhiều di vật có giá trị lịch sử lâu đời như: 20 pho tượng, 21 tấm bia đá, 3 đại hồng chung… Đây cũng là một trong số ít các ngôi chùa được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1988.
Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, trước đây chùa Phúc Khánh chỉ là nơi lễ Phật của người dân làng Sở. Nhưng không biết từ bao giờ mà chùa Phúc Khánh lại tiếng lành đồn xa, thu hút được rất nhiều người dân từ các nơi khác đổ về để dâng lễ.
Hiện nay không còn quá lạ lẫm khi bắt gặp những người dân chen chúc nhau đến dâng lễ ở chùa Phúc Khánh dù là ngày thường hay các dịp lễ quan trọng. Đây cũng là nơi mà các nam thanh nữ tú đến để cầu cho bản thân một người xứng đôi vừa lứa hay các cặp đã được se duyên đến để trả lễ.
>> Xem thêm: Chùa Phúc Khánh: Chốn linh thiêng giữa Hà thành
Chùa Trấn Quốc
Địa chỉ: Đường Thanh niên, quận Tây Hồ, Hà Nội
Giờ mở cửa: 8h00 – 16h00
Giá vé vào cửa: 5.000 VNĐ / người / lượt
Chùa Trấn Quốc ban đầu có tên là chùa Khai Quốc, xây dựng vào năm 541 thuộc thời Tiền Lý. Lúc đó, chùa nằm gần bờ sông Hồng bởi vậy khi đê sạt lở vào năm 1615 (đời vua Lê Trung Hưng), chùa được di dời vào phía trong đê Yên Phụ khu gò đất Kim Ngưu.
Sau đó, trong khoảng thế kỉ 17, chúa Trịnh cho đắp đê Cố Ngự (nay là đường Thanh Niên) để nối với đảo Kim Ngưu. Chùa đổi tên thành chùa Trấn Quốc vào đời vua Lê Hy Tông (1681 – 1705) với ý nghĩa mong muốn đây sẽ là nơi giúp dân xua đi thiên tai, đem lại cuộc sống bình yên cho toàn dân. Và cái tên đó được sử dụng cho tới tận ngày nay.
Có thể nói chùa Trấn Quốc là một trong những ngôi chùa đặc biệt nhất Hà Nội khi chùa có vị trí địa lý vô cùng đặc biệt, chùa được xây dựng trên một hòn đảo nằm ở phía đông Hồ Tây, quận Tây Hồ, thủ đô Hà Nội.
Đây là một trong những địa điểm quan trọng trong văn hóa tín ngưỡng của người dân Hà Nội từ xưa đến nay. Vì vậy, thật không quá bất ngờ khi đây cũng là nơi mà các bạn trẻ rất hay tìm đến để cầu cho mình một mối nhân duyên tốt đẹp đặc biệt vào mỗi dịp tết đến xuân về.
>> Xem thêm: Tham quan chùa Trấn Quốc – ngôi chùa cổ linh thiêng đẹp nhất Việt Nam
Chùa láng
Địa chỉ: 112 phố Chùa Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội
Giờ mở cửa: 8h30 – 20h00
Giá vé vào cửa: Miễn phí
Vào thời nhà Lý: Chùa Láng được xây dựng, theo lời truyền lại của các sư và người dân. Đó là thời vua Lý Anh Tông (1138 – 1175), con trai vua Lý Thần Tông. Vào các năm 1901, 1989: Ngôi chùa có bước chuyển mình quan trọng trong kiến trúc và diện tích khuôn viên chùa ( trùng tu). Ngoài ra, ngôi chùa còn trải qua nhiều lần trùng tu khác.
Là một trong những ngôi chùa cổ ở Hà Nội, được người dân tin tưởng là nơi cầu duyên linh thiêng bậc nhất mảnh đất Kinh Kỳ. Nhiều bạn trẻ tìm đến chùa để cầu duyên thêm may mắn, cầu bình an, sức khỏe cho gia đình và người thân.
>> Xem thêm: Nét đẹp chùa Láng
Đi chùa cầu duyên ở Hà Nội nên chuẩn bị những gì?
Đi chùa cầu duyên cũng chính là cầu may mắn, cầu phúc lộc cho bản thân chúng ta. Vì vậy mà bạn nên sắm sửa và chuẩn bị trước đồ lễ trước khi đi lê chùa nhé!
Đi chùa cầu duyên bạn nên chuẩn bị đồ lễ để dâng lên các ban thờ chính như: ban Tam Bảo, ban Đức Ông và ban Thánh Mẫu. Đồ lễ tại ban Tam Bảo không cần quá cầu kỳ, bạn chỉ cần đặt hoa quả, nến, nhang và sớ viết rõ nguyện vọng của mình. Một lưu ý nhỏ khi bạn đặt đồ lễ ở ban này là không nên đặt lễ mặn hoặc tiền vàng do đây là nơi thờ Phật.
Tương tự như ban Tam Bảo, đồ lễ dâng lên ban Đức Ông cũng không cần quá cầu kỳ. Có thể đặt phần lễ giống ban Tam Bảo nhưng có thể thêm tiền vàng và trà, rượu.
Đối với những đi cầu duyên thì đồ lễ dâng lên bàn thờ Thánh Mẫu là quan trọng nhất. Bạn cần chuẩn bị tiền vàng, bánh kẹo, sớ viết nguyện vọng và ngoài ra không thể thiếu năm bông hoa hồng đỏ, trầu cau và một chút tiền lễ.
Cho dù những lời đồn cầu duyên như ý có thật hay không thì 5 ngôi chùa cầu duyên nổi tiếng này vẫn là điểm đến đông đảo của du khách từ mọi miền đất nước. Đi lễ chùa cầu duyên thực sự là một nét văn hóa độc đáo của nhân dân ta từ ngàn xưa. Nếu có dịp tới Hà Nội thì bạn đừng nên bỏ lỡ cơ hội ghé thăm những ngôi chùa này nhé. Suckhoedothi.com chúc bạn có thể tìm cho mình một nửa như mong muốn của mình nhé!
Trần Đức Hoàng – 19051087