7 THÓI QUEN XẤU CẦN TỪ BỎ ĐỂ THÀNH CÔNG TRONG CUỘC SỐNG

Hạnh phúc không phải là món quà xinh đẹp gửi đến bạn mỗi buổi sáng mà cần được tạo ra bắt đầu bằng việc loại bỏ dần những thói quen xấu trong cuộc sống.

Đôi khi chúng ta tự làm hỏng tâm trạng của chính mình chỉ vì những suy nghĩ tiêu cực cứ lặp đi lặp lại trong tâm trí. Có những khoảnh khắc, chúng ta cảm thấy như cuộc đời của mình hoàn toàn vô nghĩa. Chúng ta không ngừng so sánh cuộc sống buồn tẻ của mình với cuộc sống hào nhoáng của người khác và rồi than thở về nó. Cũng có lúc tưởng như hạnh phúc đã bỏ rơi chúng ta, nhưng ngẫm lại, có phải chúng ta đang phá hủy niềm vui của bản thân bằng những thói quen xấu?

Nội dung tóm tắt

HIỂU VỀ THÓI QUEN XẤU

Thói quen xấu là những hành vi hoặc mô thức phản ứng cố định đối với một loạt các kích thích khác nhau ở cả môi trường bên trong lẫn bên ngoài. Giống như bất kỳ thói quen nào khác, những hành vi này thường ăn sâu vào tính cách của mỗi người đến mức trở nên cứng nhắc và dường như không thể thay đổi.

Có người cố gắng vật lộn để thoát khỏi những thói quen xấu này, nhưng cũng có người thậm chí còn không nhận ra sự tồn tại của chúng. Đặc biệt, thói quen xấu thường được sinh ra từ vùng thoải mái và phát triển mạnh ở những khu vực kém nhạy cảm về mặt tri giác. Đây là lý do khiến cho việc xác định và loại bỏ chúng trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, nếu chúng ta thực hành quan sát một cách thường xuyên và xác định được những thói quen không lành mạnh, việc loại bỏ chúng là hoàn toàn có thể.

Dưới đây là những thói quen xấu mà bạn nên từ bỏ càng sóm càng tốt

  1. CHẦN CHỪ

    Những người trì hoãn thường cho rằng thiếu động lực là lý do khiến họ trì hoãn hành động. Nếu thực sự muốn thành công, bạn cần phải rèn luyện bản thân để hành động và duy trì hành động ngay cả khi không có động lực.

    Những người hút thuốc biết rằng thói quen độc hại đó có thể giết người. Ai cũng biết thuốc lá không tốt, thậm chí có khả năng dẫn đến ung thư. Nhưng rủi ro đó dường như không ngăn được mọi người hút thuốc. Những người hút thuốc có thể muốn từ bỏ thói quen xấu đó, giống như những người trì hoãn. Mối đe dọa tiềm ẩn trong tương lai không thể chiến thắng “cơn thèm” nicotine của hiện tại. Tương tự, mọi người trì hoãn đều biết rằng việc không hoàn thành nhiệm vụ lúc này có thể dẫn đến đau khổ và hối tiếc. Nhưng họ vẫn không hành động!

                          Kẻ thù lớn nhất ngăn bạn đến với thành công là chính bạn!

Nếu bạn không bao giờ bắt đầu công việc đủ sớm và luôn chờ “nước tới chân mới nhảy”, bạn có thể không chỉ mất tập trung mà còn vô tình trì hoãn nó. Chần chừ, về cơ bản, là hành vi chuyển hướng sự chú ý có ý thức và tập trung vào các nhiệm vụ thú vị/ dễ chịu/ thuận lợi nhưng tương đối không quan trọng để tránh/ trì hoãn/ từ bỏ các nhiệm vụ quan trọng và khẩn cấp, đòi hỏi sự chú ý và kiên trì của bạn.

Theo thời gian, sự chần chừ có thể trở thành thói quen xấu, làm mất đi sự nhiệt huyết, hăng hái và khả năng tập trung, khiến bạn bỏ lỡ cơ hội thể hiện tiềm năng của mình.

  1. LƯỜI BIẾNG

Bạn đừng quá dễ dãi và thỏa hiệp với bản thân, rồi viện cớ rằng mình bận, mình mệt, mình đau ốm cho thói quen lười biếng.

Lười biếng là một trong những thói quen xấu khiến chúng ta nghèo vẫn hoàn nghèo. Hãy biết đầu tư thời gian vào những việc có ích, kể cả việc đầu tư đó dành cho một sở thích thì đấy vẫn là đầu tư đúng đắn. Chớ để tình trạng lười biếng kéo dài, điều này không chỉ khiến thời gian trôi đi một cách phung phí khi bạn không chịu hành động mà còn khiến nhiệt huyết, đam mê của bạn đều bị chôn vùi một cách không thương tiếc.

Cái giá của lười biếng là sự thất bại, muốn thành công nhất định phải trải qua sự khổ cực, chăm chỉ, nỗ lực mỗi ngày. Người lười ngỡ tưởng sự biếng nhác sẽ mang lại cho họ được sự nhàn rỗi, may mắn hơn những người bình thường khác. Nhưng, thực ra, họ đã lầm. Thói quen xấu này khiến họ còn cảm thấy khổ sở hơn, phải chạy tăng tốc hết sức mình, phải cố gắng gấp 5, gấp 10 mới đuổi kịp người khác. Bạn thấy đấy, lười biếng chỉ cho bạn sự sung sướng “ngắn hạn”. Muốn thoải mái “dài hạn”, hãy bắt tay làm việc ngay từ bây giờ.

Sự thoải mái, an nhàn không dưng mà dễ có. Để chạm đến ngưỡng cửa ấy, con người ta phải trải qua một quá trình dài nỗ lực, chăm chỉ. Dù là may mắn đến đâu mà mắc bệnh lười biếng thì vận may ấy sẽ sớm biến mất.

Chúng ta có 24 giờ một ngày để sống và làm việc hết mình, do đó hãy gạt bỏ sự lười biếng, cân bằng công việc và cuộc sống để cuộc đời thật ý nghĩa.

  1. GHEN TỊ VỚI NGƯỜI KHÁC

Con người sinh ra có nhiều kì vọng, nhiều ước muốn, hay mạnh hơn là nhiều tham vọng. Một khi họ chưa đạt được, thì có nghĩa là họ chưa thỏa mãn. Họ chưa thỏa mãn, thì họ nhìn những người đang vui vẻ, đang hưởng thụ, đang sung sướng với cuộc sống với 1 ánh mắt khó chịu. Đó chính là ghen tỵ.

Cho nên có một số người có sự nghiệp cao, tiền nhiều, nhưng gia đình lục đục chẳng hạn. Đôi khi họ chẳng thèm ghen tỵ với gia đình hòa thuận của người khác. Vì đơn giản là họ đang thỏa mãn. Họ coi sự nghiệp, tiền bạc quan trọng hơn gia đình. Họ coi việc có tiền nhiều là đủ, là hoàn hảo rồi.

Con quái vật duy nhất chúng ta nên sợ hãi chính là sự ghen tị. Ghen tị với vận may của người khác nói lên rất nhiều điều về bạn. Nó bắt nguồn từ lòng tự trọng thấp và thiếu cảm giác hài lòng với chính mình.

Ghen tị là một thói quen xấu mà mọi người đều một lần phạm phải

Ghen tị là thói quen xấu dễ khiến chúng ta đưa ra những quyết định sai lầm, hoặc chạy theo vật chất, hướng đến bên ngoài, hoặc dậm chân tại chỗ, tự thỏa mãn với cuộc sống hiện tại. Nếu mắc kẹt với thói quen xấu này, bạn dễ đánh mất cơ hội cải thiện bản thân cũng như bỏ lỡ rất nhiều niềm vui trong cuộc sống.

  1. NÓI DỐI

Chúng ta hẳn đều từng nói dối tại một số thời điểm. Tuy nhiên, đừng để những lời nói dối không hợp lý và thường xuyên trở thành thói quen xấu của bạn. Những người nói dối không muốn chịu trách nhiệm cho hành động của họ nên thường bẻ cong sự thật để kiểm soát tình huống tạm thời. Tuy nhiên, một khi mọi người phát hiện ra rằng bạn là một kẻ nói dối theo thói quen, sẽ không còn ai tin bạn nữa.

Thật dễ dàng để những lời nói dối nhỏ buột ra khỏi miệng, nhưng sau đó thói quen nói dối này sẽ khiến bạn dám dối trá cả những việc nghiêm trọng hơn trong tương lai. Hãy phá bỏ thói quen xấu đó.  Đơn giản thôi, hãy trung thực. Bạn có thể thấy bộ phim nào đó đang đang mô tả những kẻ lừa đảo và dối trá tìm ra cách để leo được lên đỉnh cao. Nhưng như thế không có nghĩa là bạn nên dung túng cho sự thiếu trung thực của bạn.

         Nói dối là một thói quen xấu của rất nhiều người

Trong cuộc sống, sự thành tín, trung thực rất được coi trọng và gắn liền với những người thành công trong khi đó những ai hám lợi lại thường không thành đạt, mặc dù họ có thể đạt được một số thành tựu nhất thời. Bởi vậy, việc từ bỏ thói quen xấu này là điều rất quan trọng trong cuộc sống của chúng ta.

  1. CHỈ NÓI VỀ BẢN THÂN MÌNH

Có bao giờ kết thúc cuộc trò chuyện, bạn cảm thấy không nhận được thông tin gì từ người đối diện không? Đó là vì suốt cuộc nói chuyện, bạn chỉ thao thao bất tuyệt về bản thân mình. Tất cả chúng ta đều thích nói về bản thân, nhưng hội thoại là một cuộc trao đổi ý tưởng và suy nghĩ giữa hai người, nó cần được tạo nên từ hành động luân phiên của nói và nghe.

Việc chỉ chăm chăm nói về mình mà không lắng nghe hoặc không cho người khác có cơ hội được nói là thói quen xấu của tính vị kỷ, bất lịch sự và thiếu cảm thông. Nếu cứ tiếp tục thói quen xấu này, dần dần, sẽ không còn ai muốn bắt đầu cuộc trò chuyện với bạn nữa.

Hãy tưởng tượng nếu phải ở một nơi mà ai cũng tranh nhau nói, chẳng ai nhường ai tiếng nào thì ầm ĩ đến mức nào. Hơn nữa, lúc nào cũng phải nghĩ xem nên nói gì thì rất mệt mỏi.

Khi bạn ngưng nói về bản thân, các âm thanh nhiễu loạn sẽ giảm bớt đi, bạn sẽ nhìn thế giới với một cái nhìn thấu suốt hơn. Khi bạn ngừng đưa mình vào cuộc trò chuyện và chỉ tập trung lắng nghe người còn lại, bạn đã sở hữu được thứ phép thuật mà những nhà tâm lý sử dụng để trị liệu những vấn đề tâm lý, và đó là một loại quyền năng diệu kỳ.

  1. ĐỔ LỖI

Đổ lỗi cho người khác hoặc cho ngoại cảnh, về cơ bản, là một cơ chế tự bảo vệ bản thân khỏi sự trừng phạt của người khác hoặc của chính chúng ta. Đây là lý do vì sao bất cứ ai cũng có thói quen xấu này từ rất sớm. Đổ lỗi có thể tạm thời giải quyết vấn đề nhưng trong thời gian dài, bạn sẽ mất cơ hội xem xét kỹ lưỡng những yếu tố cần cải thiện để tránh lặp lại sai lầm.

Đổ lỗi là một thói quen xấu thể hiện cho việc một người muốn che giấu sự mất kiểm soát của mình trước hoàn cảnh. Cũng tại bởi cái tôi quá lớn nên người đó không chấp nhận rằng mình đã không kiểm soát được tình hình và chỉ còn cách vin vào một lí do ngoại cảnh nào đó để đổ lỗi. Điều này khiến cho người đó nhận thấy rằng họ có thể kiểm soát tình hình tốt hơn.

Để thoái thác trách nhiệm, chúng ta thường đổ lỗi cho người khác mà không lường trước được thói quen xấu ấy có thể làm ảnh hưởng tới người bị đổ lỗi. Thói quen xấu này cuối cùng vẫn không thể đem lại kết quả tốt đẹp hơn bởi đó chỉ là suy nghĩ ảo tưởng rằng, chúng ta không có lỗi.

Có những người do không dám đối diện với thất bại của bản thân nên không ngừng cho rằng những tác động bên ngoài gây nên hậu quả đó. Một người kinh doanh không thành công, anh ta cho rằng do thị trường đang bấp bênh, do khách hàng không biết tới sản phẩm chất lượng của anh ta, do nhân viên lười biếng… nên công ty mới làm ăn thất bát như vậy. Việc đổ lỗi để anh ta cứu vớt cái tôi của mình và sự bất lực của mình trước hoàn cảnh hiện tại.

          Những người luôn đổ lỗi cho người khác là những người không bao giờ thành công

Cánh cửa thành công không bao giờ mở ra cho một chuyên gia đổ lỗi. Nếu chúng ta có khả năng tư duy tốt, hãy dùng nó để suy nghĩ kỹ lưỡng, xem lỗi sai thật sự đến từ đâu, chứ đừng dùng một chút thông minh của mình để tìm cách đổ lỗi, chối bỏ trách nhiệm trong mọi tình huống.

  1. SO BÌ

Mọi người đều có tốc độ phát triển riêng. So sánh đặt chúng ta vào tư duy cạnh tranh độc hại và không cho phép bản thân phát triển theo nhịp độ phù hợp. Bạn luôn có cuộc sống, ước mơ, kế hoạch và cột mốc hoàn toàn khác biệt với ước mơ, mục tiêu và cột mốc của người khác.

Có căn cứ chung nào để so sánh cuộc sống của bạn với người khác không? Thay vì vậy, hãy tập trung vào mục tiêu của bạn và bắt đầu cải thiện bản thân. Hãy sống cuộc sống bạn mơ ước mà không cần phải lo lắng về việc người khác thành công, hạnh phúc và giàu có như thế nào.

Khi cảm xúc thỏa mãn và thoải mái của bạn đến từ việc so sánh bản thân với người khác, thì bạn không còn nắm giữ được hạnh phúc của chính mình nữa. Khi bạn cảm thấy mình đã làm điều gì đó tốt, thì đừng để ý kiến hay thành quả của người khác lấy điều đó đi khỏi bạn.

Nếu bạn không thể kiềm chế bản thân trước những điều người khác nghĩ về bạn, thì hãy đừng so sánh bản thân mình với người khác, lúc đó bạn sẽ luôn có thể coi nhẹ những ý kiến của mọi người.

So bì là một thói quen xấu không bao giờ mang lại cho chúng ta kết thúc có hậu. Hãy nhìn thực tế là sẽ luôn có ai đó trong xã hội thông minh hơn, giàu có hơn, thành công hơn, và đẹp hơn bạn. Mãi hướng ngoại, so sánh bản thân với họ sẽ làm bạn phân tâm, trong khi điều quan trọng là bạn cần tập trung vào bản thân.

Hãy suy xét mọi thứ như thể thế gian này chỉ có mình bạn. Quan trọng nhất là tập trung vào để đạt được các mục tiêu ngắn hạn và thành công sẽ đến dồn dập.

KẾT LUẬN

Những thói quen xấu này đang dần phá hủy chúng ta từng chút một. Vứt bỏ những thói quen này không chỉ giúp bạn thành công trong kinh doanh, mà còn giúp bạn tiết kiệm thời gian, có thể quan tâm nhiều hơn tới bạn bè và gia đình, về lâu về dài, nó sẽ giúp bạn hạnh phúc hơn. Chính vì vậy, hãy loại bỏ những thói quen xấu đó và hình thành, phát triển cho bản thân những điều tích cực để cuộc sống ý nghĩa và thành công hơn nhé!

Nguyễn Anh Tuấn – 19051249

Ngày sinh: 01/04/2001