Với âm hưởng rộn ràng, da diết, uyển chuyển, trang trọng mà tao nhã, Nhã nhạc cung đình Huế vừa là một nét đẹp văn hóa, vừa là tinh hoa của nền âm nhạc nước nhà, và vinh dự được UNESCO công nhận là một trong những di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Vậy Nhã nhạc cung đình Huế có những nét gì độc đáo? Dưới đây là 9 thông tin vô cùng thú vị có thể bạn chưa biết về Nhã nhạc cung đình Huế.
Nội dung tóm tắt
1. Đôi nét về Nhã nhạc cung đình Huế.
1.1. Nhã nhạc cung đình Huế là gì ?
Nhã nhạc mang ý nghĩa “âm nhạc tao nhã”. Nhã nhạc cung đình là thể loại nhạc có từ thời phong kiến, được biểu diễn phục vụ trong cung đình vào những dịp lễ như: Đại triều, Thường triều, Tế giao, Tế miếu… Nhạc có lời hát tao nhã cùng điệu thức cao sang, quý phái góp phần tạo sự trang trọng cho các buổi lễ. Nhã nhạc cung đình còn là biểu tượng của vương quyền và sự trường tồn, hưng thịnh của triều đại.
Nhã nhạc cung đình Huế hay còn gọi là Quốc nhạc Việt Nam, được biểu diễn trong các ngày trọng đại như: Tế Nam Giao, Tế Xã Tắc, lễ mừng đăng quang, lễ mừng thọ vua,… Ngày nay, Nhã nhạc cung đình Huế là một phần không thể thiếu trong du lịch xứ Huế.
1.2. Lịch sử hình thành.
Theo sử sách, Nhã nhạc xuất hiện đầu tiên ở Trung Quốc dưới thời nhà Chu (thế kỷ VI – III TCN). Về sau, Nhã nhạc được lan tỏa sang các nước láng giềng như: Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam. Tuy được xem là tài sản chung nhưng nhã nhạc của mỗi nước đều có điểm riêng biệt. Nhã nhạc cung đình tại Việt Nam có quá trình hình thành và phát triển theo từng giai đoạn qua các triều đại Lý, Trần, Lê và đạt đỉnh cao vào triều đại nhà Nguyễn.
Dưới thời Lý (1010 – 1225), Nhã nhạc cung đình có từ thời Lý và bắt đầu hoạt động với quy mô lên đến hơn 100 người. Ở thời này, sự phân biệt quý tộc và thường dân chưa rõ rệt nên nhã nhạc ảnh hưởng và gắn bó nhiều loại hình âm nhạc dân gian. Nhã nhạc có lời hát tao nhã, điệu thức cao sang, là biểu tượng cho sự trường tồn, hưng thịnh và quyền lực của quân chủ phong kiến.
Dưới thời Lê (1427 – 1788), Nhã nhạc cung đình có sự phân hóa về giai cấp rõ rệt, kết cấu phức tạp, chặt chẽ với quy mô tổ chức rõ ràng, chi tiết hơn. Được phân định ra nhiều thể loại riêng biệt như: Giao nhạc, Đại triều nhạc, Miếu nhạc, Đại yến nhạc, Thường triều nhạc, Cửu nhật nguyệt lai trùng nhạc… Tuy nhiên vào cuối triều Lê, Nhã nhạc bắt đầu bước vào thời kỳ suy thoái, nhạt phai do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Dưới thời Nguyễn (1802 – 1945), Nhã nhạc cung đình phát triển mạnh mẽ trở lại, được tổ chức bài bản và đạt đỉnh cao. Từ đây Nhã nhạc đã gắn liền với cung đình Huế và phát triển theo quy phạm chuẩn, có hệ thống, bài bản với hàng trăm nhạc chương. Giai đoạn này cũng là bước chuẩn bị quan trọng, tạo tiền đề phát triển cho âm nhạc cung đình qua các đời vua sau.
Những biến cố xảy ra ở Việt Nam trong thế kỷ 20 đã đe dọa nghiêm trọng đến sự sống còn của Nhã nhạc cung đình Huế. Dù bị mất đi ngữ cảnh cung đình, song với sự quan tâm và hỗ trợ của chính phủ và cộng đồng địa phương, tất cả đang cố gắng làm sống lại Nhã nhạc cung đình Huế và truyền đạt những kỹ năng cho thế hệ trẻ.
Xem thêm: Nhã nhạc cung đình Huế – di sản văn hóa cố đô nổi tiếng
1.3. Giá trị nghệ thuật.
Nhã nhạc cung đình Huế được đánh giá là một bộ môn có tính nghệ thuật rất cao so với các thể loại âm nhạc khác. Các dàn nhạc, dàn nhạc khí đều do các nhạc công, vũ sinh tài năng trên khắp mọi miền đất nước thể hiện. Dàn nhạc trong Nhã nhạc cung đình rất đa dạng và lớn hơn các dàn nhạc khác.
Nhã nhạc cung đình Huế chứa đựng những giá trị nghệ thuật rất độc đáo. Cũng nhờ những giá trị đó mà Nhã nhạc mãi trường tồn với đất nước. Ngày nay, Nhã nhạc cung đình góp phần quan trọng trong thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến Huế để thưởng thức loại hình nghệ thuật hấp dẫn này.
2. Những sự thật thú vị về Nhã nhạc cung đình Huế.
2.1. Nhã nhạc cung đình Huế là di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận.
Ngày 7-11-2003, Tổng Giám đốc UNESCO, ông Kiochiro Matsuura chính thức công bố trong buổi lễ được tổ chức tại Paris, UNESCO đã ghi tên 28 kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại lần thứ hai, trong đó có Nhã nhạc cung đình Huế. Đây là di sản phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được công nhận vào danh mục này.
Lễ đón bằng công nhận được tổ chức tại thủ đô Paris nước Pháp vào ngày 31/1/2004. Từ năm 2008, gọi là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là vinh dự và niềm tự hào to lớn cho Huế cũng như dân tộc Việt Nam. Đồng thời, sự vinh danh này còn góp phần tạo nên sức hút, nét hấp dẫn rất riêng cho ngành du lịch của thành phố Huế cổ kính và thơ mộng.
Xem thêm: 15 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO công nhận
2.2. Nhã nhạc cung đình Huế gồm 126 bài ca chương.
Sử sách của triều Nguyễn ghi lại có đến 12 cuộc lễ, mỗi cuộc lễ đều có ghi đầy đủ các bài ca chương và có 126 bài ca chương ghi đầy đủ lời ca nguyên gốc và bản dịch.
Các nhạc chương đều do Bộ Lễ chủ trì biên soạn. Ví dụ Tế Nam Giao có 10 nhạc chương mang chữ “Thành” (thành công); Tế Xã Tắc có 7 nhạc chương mang chữ “Phong” (được mùa); Tế Miếu có 9 nhạc chương mang chữ “Hòa” (hòa hợp); Lễ Đại triều dùng 5 bài mang chữ “Bình” (hòa bình); Lễ Vạn thọ dùng 7 bài mang chữ “Thọ” (trường tồn); Lễ Đại yến dùng 5 bài mang chữ “Phúc” (phúc lành)…
2.3. Hiện nay được tổ chức nhạc khí dưới hai dàn nhạc: Đại nhạc và Tiểu nhạc.
Trước đây, phần nhạc khí được quy định gồm 6 loại dàn nhạc: Nhã nhạc, Nhạc huyền, Đại nhạc, Tiểu nhạc, Ty chung và Ty khánh, Quân nhạc. Các dàn nhạc trên đều có các nhạc khí cụ thể và không dưới 30 chủng loại với số lượng trên hàng trăm nhạc khí.
Ngày nay, tại các địa điểm phục vụ ca múa nhạc cung đình Huế chỉ còn được tổ chức dưới hai dàn nhạc là Đại nhạc và Tiểu Nhạc. Đại nhạc gồm 42 nhạc cụ: 20 trống, 8 minh già, 4 câu giốc (tù và bằng sừng trâu), 4 sa la, 4 tiểu sa, 2 hải loa (tù và bằng ốc biển). Tiểu nhạc gồm 8 ca sinh và 8 nhạc công chơi 8 nhạc cụ gồm 1 cái trống bản, 1 cái phách, 2 cái sáo, 1 đàn huyền tử, 1 đàn nhị, 1 đàn tì bà, 1 chùm thanh la bằng đồng gồm có 3 chiếc.
Về bài bản cũng rất phong phú. Tiểu nhạc có 15 bài bản gồm Mười bản ngự (Thập thủ liên hoàn) và 5 bản: Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long Ngâm, Tiểu khúc. Đại nhạc có các bài bản: Tam luân cửu chuyển, Ngũ lôi (Đăng đàn cung), Đăng đàn cung đơn, Đăng đàn cung kép, Xàng xê, Kèn chiếu, Phú lục, Tẩu mã, Bông, Mã vũ, Man, Kèn bóp (Du xuân), Cung Nam. Nam Ai, Nam Bình, Nam Trĩ. Tất cả các loại dàn nhạc, các nhạc khí, bài bản âm nhạc, ca chương… đều do những nhạc công, ca công, vũ công tài ba nhất của đất nước thực hiện.
2.4. Nhã nhạc cung đình Huế thường đi đôi với múa cung đình.
Múa cung đình triều Nguyễn rất phong phú như: long, ly, quy, phượng, múa đèn, múa quạt, bát tiên quá hải, bát tiên đăng vân, nhị tướng xuất quân, múa vũ phiến,…
Đặc sắc nhất là múa “Lục cung hoa đăng” và “Lân mẫu xuất lân nhi”, đây là những điệu múa rất độc đáo thể hiện rõ bản sắc văn hoá Việt Nam.
Trong đó, “Lục cúng hoa đăng” có nguồn gốc từ một múa múa dùng trong nghi lễ Phật giáo: Múa “Lục cúng” nghĩa là sáu lần cúng, được thể hiện qua sáu lần múa, mỗi lần múa dâng lên một thứ đồ cúng như: hương, hoa, đăng, trà, quả, thực. Về sau, dưới triều vua Minh Mạng, điệu múa này được đưa vào cung đình và dàn thành múa “Lục cúng hoa đăng” để biểu diễn trong các ngày lễ Vạn thọ, Thánh thọ, thọ tiên … Trong múa, các vũ sinh vừa nam, vừa nữ, hoá trang thành Tiên Đồng – Ngọc Nữ , hai tay cầm hai chậu đèn hoa sen vừa múa vừa hát trong ánh đèn hoa phổi linh mờ ảo, tạo nên sự trang nghiêm và lộng lẫy.
Tiết mục nào cũng trang nghiêm không có chút trần tục và đều mang tính nghệ thuật cao, cùng với Nhã nhạc tạo nên một sân khấu thiêng liêng và bác học khó có dàn nhạc nào sánh nổi. Màn biểu diễn được thực hiện bởi nhiều ca công, vũ công và trống là nhạc cụ chủ đạo. Những vũ công diện trang phục lễ nghi cung đình thể hiện những điệu múa uyển chuyển theo tiếng nhạc nhịp nhàng vô cùng cuốn hút. Tất cả tạo nên mạch diễn mượt mà trong suốt thời gian trình diễn.
2.5. “Lưu Thủy, Kim Tiền, Xuân Phong, Long Hổ” – giai điệu nổi tiếng nhất Nhã nhạc cung đình Huế.
“Lưu Thủy, Kim Tiền, Xuân Phong, Long Hổ” là giai điệu nổi tiếng nhất của Nhã nhạc Cung đình Huế với nội dung ca ngợi cảnh vật thiên nhiên hùng tráng, tươi đẹp, đất nước thái bình thịnh trị. Mỗi người dân Việt Nam ít nhất đều nghe bản hòa tấu này một lần vì độ phổ biến của nó, nhất là ở vùng làng quê Bắc Bộ.
Hòa tấu được dùng phổ biến làm nhạc cho các lễ hội cổ truyển trên khắp cả nước, một số nơi gọi đây là nhạc Hội. Mỗi khi giai điệu được cất lên, một hình ảnh Việt Nam xưa với những hình ảnh áo tứ thân, áo dài, cờ hội, những buổi rước kiệu, rước đuốc, thi thổi cơm, cờ người,… như ùa về tâm trí của mỗi con người Việt Nam.
2.6. Nhật Hoàng của Nhật Bản từng đến thưởng thức Nhã nhạc cung đình Huế.
Sáng 4-3-2017, trong chuyến ghé thăm cố đô Huế, Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu Michiko đã đến tham quan Đại nội Huế và nghe Nhã nhạc cung đình Huế tại Nhà hát Duyệt Thị Đường.
Theo Ngài Hatsuhisa Takashima, Thư ký Báo chí của Nhà vua Nhật Bản, Người phát ngôn của Nhà vua, Nhà vua Akihito cùng Hoàng hậu Michiko rất quan tâm tới sự kiện thưởng thức Nhã nhạc cung đình Huế. Lý giải điều này, ông cho biết Nhã nhạc cung đình Huế với Nhã nhạc cung đình Nhật Bản (Gagaku) được cho là có cùng nguồn gốc với nhau, xuất phát từ thời điểm cách đây khá lâu.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết năm 2007, một đội Nhã nhạc cung đình Huế đã được cử đi theo đoàn công du của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại Nhật Bản và có buổi biểu diễn ngay tại Hoàng cung ở Tokyo.
Xem thêm:
2.7. Nhã nhạc cung đình là bộ môn âm nhạc duy nhất được ghi vào sử sách nước ta.
Một số tác phẩm đã ghi chép lại những thông tin về Nhã nhạc cung đình của Việt Nam, tiêu biểu như các cuốn “An Nam chí lược” của Lê Tắc (Nhà Trần); “Quốc triều thông lễ” (dưới triều vua Trần Thái Tông); “Trần triều đại diễn” (dưới triều vua Trần Dụ Tông; hai tác phẩm “Lê triều hội điển” và “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Ích; “Vũ Trung tùy bút” của Phạm Đình Hổ,…
2.8. Nhiều chương trình truyền hình Trung Quốc từng bị tố “ăn cắp” Nhã nhạc cung đình Huế.
Trong tập 7 của chương trình “Sáng tạo doanh 2020”, nhóm “sáng tạo và người sáng tạo” thực hiện tiết mục “Tiểu thư và bốn soái ca”. Trong phần nhạc dạo để năm thực tập sinh của nhóm xuất hiện trong tạo hình cổ trang, cư dân mạng Việt Nam nhận ra đó là một đoạn Nhã nhạc cung đình Huế.
Đoạn nhạc dạo chưa đến 30 giây nhưng cũng đủ để công chúng nhận biết đó là bản Lưu Thủy – Kim Tiền quen thuộc của Nhã nhạc cung đình Huế. Nhạc dạo được sử dụng nhưng không có chú thích, dẫn nguồn nào khiến cư dân mạng Việt bức xúc chỉ trích chương trình “ăn cắp”.
Cách đấy vào năm 2018, phim “Thịnh Đường Huyễn Dạ” của Trung Quốc bị tố cáo “ăn cắp” Nhã nhạc cung đình Huế trong một vài phân đoạn.
Nhiều ý kiến trái chiều của các nhà chuyên môn xung quanh việc nhận định đoạn nhạc trong phim có phải Nhã nhạc hay không. Đáng nói, đây là cảnh hiến vũ của các vũ công với dàn nhạc dâng lên cho hoàng đế và các quan trong buổi dạ yến.
Sau khi nghe đoạn nhạc trong phim, nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền khẳng định đoạn nhạc trong cảnh phim nêu trên đúng là Nhã nhạc cung đình Huế. Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho hay đoạn nhạc xuất hiện trong phim là bản Lưu thủy Kim tiền (Nhã nhạc cung đình Huế). Bản Lưu thủy Kim tiền được định hình rõ nét và mang tính chất chuyên nghiệp, quy củ trong Nhã nhạc cung đình Huế, được dùng trong sinh hoạt chính thống của triều Nguyễn.
2.9. Nhà hát Duyệt Thị Đường – nhà hát cổ nhất ở nước ta.
Duyệt Thị Đường là nhà hát được xây dựng năm 1826 dưới thời vua Minh Mạng. Đây không chỉ là nơi tấu nhạc cung đình, mà còn trình diễn nhiều loại hình nghệ thuật khác như, tuồng, kịch hát, ca Huế theo yêu cầu và sở thích của nhà vua.
Mặc dù sau này còn có thêm ba nhà hát nữa được xây dựng, nhưng Duyệt Thị Đường vẫn được các vua Nguyễn kế tiếp nhau tu bổ, tôn tạo để làm nơi trình diễn các loại hình nghệ thuật, nơi biểu diễn chiêu đãi sứ thần các nước khi đến Việt Nam. Đây không chỉ là sân khấu trình diễn mà còn là công trình kiến trúc độc đáo thể hiện trình độ nghệ thuật cao của kiến trúc xây dựng thời nhà Nguyễn.
Ngày nay, nhà hát Duyệt Thị Đường là một trong hai nơi nổi tiếng nhất biểu diễn Nhã nhạc cung đình Huế cho khách du lịch, bên cạnh thuyền Rồng trên sông Hương. Nằm trong khuôn viên Đại nội Huế, du khách sẽ được thưởng thức nhã nhạc, điệu múa cung đình trong không gian cổ kính của triều Nguyễn với giá vé dao động từ 200.000 vào các khung giờ 10h sáng và 15h chiều mỗi ngày.
Xem thêm: Kinh nghiệm thưởng thức nhã nhạc cung đình Huế
Kết luận
Nhã nhạc cung đình Huế là một mảnh ghép văn hóa quan trọng với dân tộc Việt Nam. Nó không chỉ là đỉnh cao trong phong cách âm nhạc kết hợp với nghệ thuật và lịch sử, mà còn là một di sản văn hóa thế giới, một thước đo đặc sắc của sự sáng tạo âm nhạc truyền thống. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử đến với thế giới hiện tại, chúng ta đã khám phá được những sự thật thú vị xoay quanh Nhã nhạc cung đình Huế cùng những giá trị của nó, qua đó thúc đẩy việc bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật độc đáo và đặc sắc này.
Bài viết hy vọng đã giúp bạn có cái nhìn sâu sắc hơn về một khía cạnh quan trọng của văn hóa Việt Nam và đã khám phá ra những điều mới mẻ và thú vị về nhã nhạc cung đình Huế. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi để cập nhật thêm nhiều thông tin hấp dẫn về các di sản văn hóa của mảnh đất hình chữ S nhé!
Tham khảo các bài viết về chủ đề Văn hóa tại đây:
Bắc Ninh – miền đất hội tụ di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại năm 2023
Cảnh báo 3 văn hóa ăn kiêng “tổn hại” sức khỏe tới mức đáng báo động!
Văn hóa doanh nghiệp trong thời đại 4.0: Định hình thành công trong môi trường kinh doanh số
Sinh viên thực hiện: Nguyễn Ngọc Hoàng
Mã sinh viên: 21050865
Lớp học phần: INE3104_8