Trong xã hội ngày nay, thức khuya là một thói quen khá phổ biến, đặc biệt với người trẻ. Chúng ta có thể thức khuya vì nhiều mục đích khác nhau như: học bài, làm việc, lướt web, chơi game… Tuy nhiên, chúng ta lại chưa ý thức được rằng việc thức quá muộn sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe con người. Vậy, tác hại của thức khuya đối với con người là gì? Mức độ nguy hiểm của nó ra sao? Hãy cùng bài viết dưới đây điểm danh 5 tác hại khôn lường của việc thức khuya mà các cú đêm cần chú ý nhé.
Nội dung tóm tắt
Thức khuya ảnh hưởng tới các chức năng trong cơ thể
Gây mệt mỏi, đau đầu, suy giảm trí nhớ
Thiếu ngủ dẫn đến tình trạng mệt mỏi, đau đầu, suy giảm trí nhớ. Bởi não bộ là trung tâm tiếp nhận và xử lý một lượng thông tin lớn mỗi ngày. Sau một ngày dài hoạt động, giấc ngủ vào ban đêm sẽ giúp não được nghỉ ngơi.
Nhưng khi ta còn thức, bộ não của chúng ta vẫn phải tiếp tục làm việc, dẫn đến não bị căng thẳng quá độ và làm suy giảm trí nhớ, gia tăng cảm giác mệt mỏi. Theo nghiên cứu thống kê, tỷ lệ người có thói quen thức khuya bị suy giảm trí nhớ cao gấp 5 lần so với người bình thường.
Bên cạnh đó, việc thường xuyên đi ngủ muộn làm xuất hiện những cơn đau đầu dữ dội do thiếu ngủ. Cơn đau có thể xuất hiện với mức độ từ nhẹ đến nặng. Có hai loại đau đầu phổ biến khi các cú đêm thức khuya là đau nửa đầu và đau đầu do căng thẳng.
Việc thức khuya kéo dài sẽ khiến tổn thương não nghiên trọng, ảnh hưởng tới hệ thống thần kinh trung ương và làm suy yếu khả năng phản xạ tự nhiên của cơ thể.
Ảnh hưởng xấu tới sự phục hồi của các cơ quan trong cơ thể
Khi chúng ta ngủ vào ban đêm, các cơ quan trong cơ thể sẽ có những khung giờ nhất định để hoạt động và đào thải, lấy lại sự cân bằng cho cơ thể.
Việc ngủ không đúng giờ giấc dẫn đến đồng hồ sinh học của cơ thể không thể hoạt động bình thường. Từ đó dẫn đến các hệ quả nghiêm trọng như: cơ thể không thể sản sinh ra hormone khiến sức đề kháng giảm sút, hệ miễn dịch suy giảm, gan không thể thải độc, đau dạ dày…
Thói quen thức khuya học tập, làm việc hay giải trí cũng khiến mắt của chúng ta không được nghỉ ngơi và phải làm việc trong môi trường thiếu ánh sáng tự nhiên. Thức đêm thường xuyên sẽ dẫn đến các bệnh đau mắt, nhức mỏi mắt, cận thị, mắt mờ đi…
Không chỉ là các bệnh về mắt, thói quen này còn khiến tai của chúng ta bị ù. Thậm chí, đã có rất nhiều bài báo về việc bị điếc đột ngột do thường xuyên thức đêm, gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai đang có giấc ngủ đêm không điều độ.
Với những tổn thương nghiêm trọng tới cơ thể nói trên, người thức đêm thường xuyên sẽ rất dễ bị giảm tuổi thọ. Do vậy, chúng ta cần phải duy trì một thói quen ngủ hợp lý để các cơ quan trong cơ thể hoạt động một cách hiệu quả nhất.
Thức khuya gây hại cho làn da
Ban đêm là khoảng thời gian tốt nhất để da tái tạo lại các tế bào. Thức đêm làm cho quá trình điều tiết ở các tế bào da diễn ra thất thường, gây rối loạn chức năng của lớp tế bào biểu bì, đẩy nhanh quá trình lão hóa, khiến da bị xỉn màu, nhanh chảy xệ, thiếu độ đàn hồi cũng như làm xuất hiện các nếp nhăn trên da.
Khi chúng ta thức đêm sẽ gây ra tình trạng khô da nghiêm trọng. Làn da sẽ dần trở nên khô sạm và dễ bị tổn thương. Bên cạnh đó, thức khuya sẽ dẫn đến rối loạn nội tiết tố, làm làn da của chúng ta bị nổi mụn nhiều hơn.
Tình trạng xuất hiện quầng thâm mắt cũng diễn ra phổ biến ở những người hay thức đêm. Sở dĩ có tình trạnh như vậy bởi thức khuya sẽ khiến cho da quanh vùng mắt bị thiếu sức sống, không được cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết. Từ đó, vùng da dưới mắt sẽ ngày càng thâm quầng và sạm màu.
Da của chúng ta làm việc chăm chỉ trong ngày để chống lại các tác nhân bên ngoài, vi khuẩn và độc tố xâm nhập vào cơ thể. Ngủ đủ giấc sẽ giúp collagen có trong da sản sinh nhanh hơn, các chất độc hại cho da cũng sẽ bị tiêu diệt, khôi phục sự cân bằng độ ẩm tự nhiên của da, giúp da đàn hồi, khỏe hơn.
Dù bạn có chăm sóc làn da mình cẩn thận kỹ càng nhưng lại không có một giấc ngủ điều độ thì cũng không có hiệu quả đâu nhé. Chúng ta cần ngủ đủ từ 7 đến 8 tiếng một ngày để có được một làn da tươi trẻ và khỏe đẹp.
Thức khuya làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm
Nguy cơ mắc ung thư
Như chúng ta đã đề cập ở phía trên, nhiều yếu tố miễn dịch của cơ thể được hình thành trong giấc ngủ của con người. việc thiếu ngủ thường xuyên làm suy giảm khả năng miễn dịch của chúng ta. Khi hệ miễn dịch bị suy giảm sẽ thúc đẩy các tế bào ác tính hình thành, làm tăng tỷ lệ mắc bệnh ung thư ở người.
Một số nghiên cứu khoa học đã khẳng định rằng, thức khuya có khả năng dẫn đến ung thư gan, ung thư vú, ung thư ruột kết và một số các bệnh lây nhiễm khác. Bên cạnh đó, ngủ muộn còn khiến những căn bệnh ung thư đáng sợ này trở nên khó điều trị hơn do hàng phòng vệ tự nhiên của cơ thể bị phá vỡ trước các tế bào ung thư, khiến thuốc kém tác dụng.
Nguy cơ mắc các bệnh tim mạch
Một nghiên cứu về giấc ngủ được thực hiện tại Bệnh viện Brigham & Women ở Boston đã cho thấy những người ngủ dưới 5 tiếng/ngày tăng nguy cơ mắc bệnh tim 39% so với những người ngủ đủ giấc.
Xuất phát từ rối loạn nhận thức do não bộ hoạt động quá mức, tổn thương do việc thức đêm thường xuyên gây ra sẽ lan dần ra các hệ cơ quan khác trong cơ thể như hệ miễn dịch, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa… – các hệ cơ quan quan trọng, gắn liền với sự sống của con người.
Những biến chứng này càng tích tụ theo thời gian khiến chúng ta phải đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh về tim như: tăng nhịp tim, tăng huyết áp và mức độ cao hơn của một số hóa chất liên quan đến chứng viêm, có thể gây căng thẳng thêm cho tim của chúng ta. Thậm chí nguy hiểm hơn là có thể xảy ra tình trạng ngừng tim, gây đột quỵ, từ đó dẫn đến tử vong.
Nguy cơ mắc một số bệnh khác
Thói quen thường xuyên ngủ không đúng giờ làm rốii loạn đồng hồ sinh học, gây mất cân bằng glucose, khiến lượng đường trong máu khi đói tăng lên, giảm khả năng tiết insulin và làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Bên cạnh đó, số lượng giờ ngủ giảm đi cũng sẽ khiến tình trạng béo phì gia tăng. Khi thiếu ngủ, nồng độ ghrelin (hormone tăng khả năng ngon miệng) gia tăng khiến bạn thèm ăn hơn, thêm vào đó là mức độ leptin (hormone thông báo bạn ăn no) bị giảm đi. Hai yếu tố này là nguyên nhân chính khiến bạn bị tăng cân khi thức khuya.
Thức khuya làm chậm quá trình đốt cháy calo trong cơ thể. Nghiên cứu khoa học đã chứng minh ngủ quá muộn khiến con người chúng ta tiêu thụ ít hơn bình thường 248 calo. Điều này đồng nghĩa với việc nếu chúng ta liên tục thức khuya trong 1 tháng thì sẽ bị “béo” lên ít nhất 1kg.
Thức khuya gây ra trạng thái tâm lý tiêu cực
Các nhà khoa học đã thực hiện một số nghiên cứu để chỉ ra rằng tình trạng suy nghĩ tiêu cực thường xảy ra phổ biến ở người thường xuyên không ngủ đủ giấc. Theo đó, người có thói quen thức đêm thường xuất hiện các triệu chứng của bệnh trầm cảm nhiều hơn người bình thường.
Trầm cảm gây ra rất nhiều nguy hại cho người mắc phải, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người bệnh, đồng thời có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng khó lường trước. Nguyên nhân là do việc ngủ không đúng giờ gây ra hiện tượng rối loạn đồng hồ sinh học, một trong những nguyên nhân dẫn đến tâm lý u sầu và rối loạn lo âu, trầm cảm.
Ở người bình thường, buổi sáng là thời gian cảm thấy khoan khoái, đầy năng lượng. Ngược lại, với những người có thói quen thức đêm, phong độ tinh thần tồi tệ vào buổi sáng, mãi đến tối mới cải thiện. Chu kỳ ngủ và thức của họ cũng bị rối loạn, giấc ngủ thường quá dài hoặc quá ngắn. Vì vậy, để duy trì trạng thái tâm lý tích cực cho một ngày hiệu quả, chúng ta không nên thức quá khuya.
Thức khuya làm giảm năng suất hoạt động
Hầu hết chúng ta đều cho rằng ban ngày rất khó để tập trung hoàn thành công việc, nhất là khi chúng ta có những công việc cần hoàn thành gấp và chúng ta cảm thấy buổi đêm làm việc sẽ được tập trung hơn. Vì vậy, vào buổi tối, não bộ sẽ kích thích sản sinh ra hormone cortisol để giúp bản thân chúng ta duy trì sự tỉnh táo và hoàn thành công việc đang dang dở.
Việc sản sinh ra hormone cortisol tưởng chừng vô cùng hiệu quả này nhưng lại có thể dẫn đến hệ quả tiêu cực. Bởi cortisol là hormone liên quan đến căng thẳng và stress. Thức đêm thường xuyên tương đương với việc kích thích hormone cortisol diễn ra liên tục trong nhiều ngày có thể khiến cú đêm bị stress nặng hơn, khó có thể tập trung như ban đầu và có thể gây ra tình trạng lờ đờ, uể oải vào ngày hôm sau. Từ đó, làm giảm năng suất cũng như hiệu quả học tập và làm việc.
Thức khuya chính là con đường dẫn đến tử vong sớm nhất mà đôi khi chúng ta lại không thể ý thức được. Vì vậy, dù cho cuộc sống có bận rộn đến đâu hay các nhu cầu giải trí chưa được thỏa mãn, các cú đêm hãy nhớ đi ngủ đúng giờ để tránh những tác hại của việc thức khuya nhé.
Nếu bạn là một cú đêm, hãy tập ngủ sớm ngay từ hôm nay. Hạn chế các thức uống có cồn, tập thể dục hàng ngày, nghĩ tích cực và tránh xa các thiết bị điện tử… Những điều này có thể giúp bạn cải thiện việc thức khuya và ngủ sớm hơn đó.
__________________________
Tìm đọc các bài viết liên quan tại:
9+ cách ngủ sớm cho người quen thức khuya
Mẹo cực hay để thức đêm mà vẫn giữ được sức khỏe
Nếu buộc phải thức khuya thì bạn nên làm gì?
Sinh viên thực hiện: Lưu Thị Hà Chi
Mã sinh viên: 19051038
Pingback: 6 công dụng không ngờ khi kết hợp gừng với mật ong - Sức khỏe đô thị