Phần lớn dân văn phòng dành nhiều thời gian tại nơi làm việc nhưng chưa ý thức được những yếu tố từ nơi làm việc có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của bản thân. Vậy những yếu tố đó là gì? Hãy cùng Suckhoedothi.com tìm hiểu về những yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe của người đi làm thế nào nhé!
Nội dung tóm tắt
Thói quen của dân văn phòng
Ngồi quá lâu
Các nhà nghiên cứu cho rằng ngồi lâu trong văn phòng không di chuyển nhiều có thể dần dần làm mỏng cấu trúc não. Một nghiên cứu của Anh năm 2017 cho thấy các công việc văn phòng có mối liên quan chặt chẽ với nguy cơ béo phì và bệnh tim. TS. William Tigbe của Trường Y khoa Warwick, Anh cho biết, thời gian dài hơn trong tư thế ít vận động có liên quan đáng kể với chu vi vòng eo lớn hơn, chất béo trung tính cao hơn và cholesterol HDL (cholesterol tốt) thấp hơn.
Nếu bạn ngồi máy tính quá 5 giờ/ngày sẽ khiến tinh thần, sức đề kháng bệnh tật, hoạt động của tim đều bị suy giảm tối thiểu là 10%. Để khắc phục thì bạn nên thỉnh thoảng hít một hơi thật sâu. Có thể tập yoga để học cách điều hòa khí thở của mình một cách tốt nhất.
Bên cạnh đó, thói quen ngồi sai tư thế của nhiều người có thể khiến cho các đốt sống dưới chịu áp lực không đều, lưu thông máu huyết dọc cột sống ứ trệ, hệ tiêu hóa, bài tiết bị gò bó… nên cơ thể hạn chế chuyển hóa và sinh năng lượng khi làm việc. Vậy nên, thay vì ngồi quá lâu thì nên đứng dậy vận động giữa giờ để hạn chế những căn bệnh không tốt cho sức khỏe.
Nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính
Thời gian dài nhìn chằm chằm vào máy tính có thể dẫn đến mỏi mắt, chóng mặt, lóa, khô mắt. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến những căn bệnh nguy hại về mắt như: đục tinh thể, giảm thị lực, cận thị.
Khi chúng ta ngồi với máy tính thì chỉ có bàn tay, cổ và các ngón tay của chúng ta là hoạt động liên tục trong khi toàn bộ phần thân người lại gần như bất động. Nếu như 1 ngày chúng ta phải làm việc với máy tính 8giờ/ ngày, chưa kể đến tăng ca, làm thêm giờ thì sẽ gây ảnh hưởng lớn đến dây chằng. Chúng sẽ trở nên yếu, dễ bị tổn thương và nhanh mỏi cơ hơn.
Do đó, tại nơi làm việc nên thực hiện các bước để ngăn cản sự kết hợp nguy hiểm của hoạt động thể chất bị giảm và chế độ ăn uống không lành mạnh, giữ cho sức khỏe và tinh thần ở trạng thái tốt nhất để duy trì hiệu suất công việc, tăng cường khả năng sáng tạo của bản thân trong công việc.
Ăn không khoa học
Nhiều người bỏ qua bữa sáng để đến văn phòng. Thói quen này khiến họ có nguy cơ béo phì cao hơn vì thưởng cảm thấy đói nhiều hơn và hệ trao đổi chất cũng làm việc kém hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, việc ăn qua loa vội vàng để có thêm thời gian nghỉ trưa hoặc làm tiếp công việc là một thói quen rất xấu với hệ tiêu hóa. Nếu duy trì thói quen này, bạn sẽ bị đau dạ dày, trào ngược, ợ chua, đầy hơi, ….
Thói quen ăn trưa một mình tại bàn làm việc của một số nhân viên văn phòng được xem là vô cùng tai hại đối với sức khỏe. Một nghiên cứu của Right Management, có tới 65% người Mỹ ăn trưa tại bàn làm việc điều này ảnh hưởng tới sự tương tác xã hội của họ đồng thời ngồi nhiều gây nên những tác động xấu đến hệ thần kinh. Ngoài ra, bàn phím, chuột và bàn làm việc là nơi sinh sản và phát triển của vi khuẩn.
Không những thế, việc ăn vặt quá nhiều trong văn phòng mang lại những hậu quả như tăng các mảng bám vào răng, tạo thành cao răng, tạo điều kiện cho các bệnh về nướu, viêm răng… phát triển khi ăn liên tục mà không phải lúc nào bạn cũng có thế đánh răng cho sạch.
Không uống đủ nước
Nhiều người, tại văn phòng, làm việc quá tập trung mà quên đi cơn khát hay quá bận để lấy cho mình một cốc nước, rồi sử dụng cà phê như thứ bổ sung nước cho cơ thể. Mặc dù vậy đây lại là một cách làm hoàn toàn sai lầm và có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của họ. Các dấu hiệu của thiếu nước cũng dễ bị nhầm lẫn với sự mệt mỏi trong quá trình làm việc hay đau lưng vì ngồi quá nhiều.
Biểu hiện đơn cử nhất của thiếu nước chính là mệt mỏi, đau đầu, huyết áp cao và thận hoạt động không tốt. Về lâu về dài, nó làm ảnh hưởng tới quá trình tập trung trong công việc, hiệu quả làm việc và sự mệt mỏi của bạn cũng khiến cho những đồng nghiệp kém nhiệt tình hơn. Ngoài mất tập trung, thiếu nước còn làm lệch đi sự cân bằng của đường và muối trong cơ thể từ đó dẫn tới những bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Bổ sung nước giúp cho da chúng ta khỏe mạnh hơn, nó giúp các khớp và mắt dẻo dai hơn trong hoạt động, loại bỏ chất độc thông qua thận cũng như tối ưu hóa các tế bào trong cơ thể. Bởi vậy, hãy uống nhiều nước hơn, tạo lập một thói quen uống nước đều đặn. Và nên nhớ rằng, đừng sử dụng cà phê hay trà như một sự thay thế cho nước.
Không gian làm việc
Không gian làm việc có ảnh hưởng rõ rệt đến sức khỏe dân văn phòng, một không gian làm việc không phù hợp sẽ tích lũy năng lượng tiêu cực, lâu dần không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn tàn phá tinh thần của bạn, làm giảm năng suất làm việc và sự sáng tạo đáng kể. Một không gian làm việc chất lượng sẽ tạo ra một bầu không khí ít căng thẳng và năng suất hơn. Bởi vậy, nếu là nhân viên, bạn hãy cân nhắc cẩn trọng để chọn một môi trường làm việc đem đến sự thoải mái cả về thể chất và tinh thần.
Chúng ta đang chứng kiến sự biến mất dần của hình thức văn phòng khép kín và sự bừng sáng của môi trường làm việc mở tích hợp nhiều tiện ích cho nhân viên, từ phòng gym, bể bơi đến sân bóng đá mini, ký túc xá… ngay tại nơi làm việc. Dù xu hướng văn phòng làm việc đến và đi liên tục nhưng có một điều không thay đổi đó là tác động của không gian làm việc đến sức khỏe và cảm hứng làm việc của nhân viên.
Trong những năm gần đây, người ta cho rằng các văn phòng có không gian mở có thể có hại nhiều hơn lợi ích bởi đa số nhân viên văn phòng rất khó tập trung và thiếu sự riêng tư.
Giáo sư Ann Richardson, một giáo sư tại Đại học Canterbury ở New Zealand nói thêm rằng, họ có thể còn bị tăng nguy cơ bệnh tật, kích thích nhận thức cảm xúc, giảm khả năng hoàn thành cũng như sự hài lòng với công việc. Do đó, không gian văn phòng nên được thiết kế để cho phép có mức độ ánh sáng mặt trời và không khí trong lành nhất định vì chất lượng không khí trong nhà kém có thể dẫn đến ho, kích ứng, đau đầu, buồn ngủ…
Ngoài ra, vi khuẩn còn có thể được tìm thấy ở những nơi như nắm cửa, máy pha cà phê, máy in và thang máy nên cần được vệ sinh sạch sẽ để giảm thiểu tối đa nguy cơ gây bệnh.
Đồng nghiệp
Những người bạn làm việc cùng đóng một vai trò quan trọng trong chất lượng cuộc sống, đặc biệt liên quan đến sức khỏe tâm thần và mức năng suất. Nói chung, rất nhiều người dành nhiều thời gian xung quanh đồng nghiệp của họ hơn gia đình hoặc bạn bè của họ.
Một nghiên cứu, sau khi kiểm tra gần 700 công nhân Mỹ, gần đây chỉ ra rằng nếu tiếp xúc với đồng nghiệp thô lỗ có thể gây ra các triệu chứng bất lợi cho sức khỏe như mất ngủ, mệt mỏi và sức khỏe tâm thần kém. Phó giáo sư về chính sách chăm sóc sức khỏe tại Trường Y Harvard Nicole Maestas nhấn mạnh rằng, cần có những quy tắc ứng xử và can thiệp cần thiết để tránh những tổn thất về sức khỏe cho nhân viên.
Tổng kết
Trong 90.000 giờ mà một người bình thường dành để làm việc trên văn phòng trong suốt cuộc đời, họ có thể sẽ vô tình để những yếu tố nêu trên ảnh hưởng đến sức khỏe thân thể và tinh thần của mình. Con số 10.000 lao động mà trung bình mỗi năm giới văn phòng Nhật Bản mất đi do đột tử trên bàn làm việc chính là hồi chuông cảnh tỉnh tất cả những dân văn phòng trên thế giới về sức khỏe bản thân. Để có thể làm việc tốt hơn, hiệu quả hơn thì sức khỏe luôn là vấn đề được ưu tiên hàng đầu.
Hi vọng bài viết đã giúp bạn hiểu biết hơn về những yếu tố có thể gây ảnh hưởng thế nào để sức khỏe của dân văn phòng. Suckhoedothi.com chúc các bạn thành công!
Đọc thêm:
- Bệnh văn phòng và 6 thói quen bạn cần phải thực hiện để phòng ngừa bệnh văn phòng
- Top 10 bí quyết phòng ngừa hội chứng thị giác màn hình
- Hội chứng “burnout”: Kiệt sức trong công việc và top 5 cách đối phó
- 11 bí quyết chăm sóc sức khỏe cho dân văn phòng
Hoàng Thị Hải Xuân – 19051263