THỜI TRANG BỀN VỮNG: XU HƯỚNG TẤT YẾU TRONG 10 NĂM TỚI

Nội dung tóm tắt

Thời trang thân thiện với môi trường – Đã đến lúc phải thay đổi

Trái đất đang một ngày nóng lên, vấn đề bảo vệ môi trường sống ngày càng được nâng cao đến với mỗi cá nhân trên trái đất. Trong đó, thời trang là một ngành công nghiệp thải ra các chất độc hại chiếm tỷ lệ rất cao. Để giải quyết được những vấn đề này, Nhiều hãng thời trang cũng như các nhà thiết kế đang hướng đến việc sản xuất các sản phẩm may mặc thân thiện với môi trường, hay còn gọi là các sản phẩm thời trang bền vững tới môi trường.

Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), thời trang là một trong những ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều nước và phát thải khí nhà kính nhất thế giới, chỉ sau ngành nông nghiệp. Sản xuất một chiếc quần jeans tiêu tốn khoảng 7.500 lít nước, tương đương với lượng nước một người trưởng thành uống trong 7 năm. Ngoài ra, ngành công nghiệp thời trang cũng là một trong những ngành phát thải khí nhà kính nhiều nhất, chiếm từ 2-8% tổng lượng khí thải toàn cầu. Chính vì vậy, xu hướng thời trang bền vững cần phải được ưu tiên nhiều hơn.

Báo cáo cũng cho thấy, 68% người tiêu dùng toàn cầu quan tâm đến thời trang bền vững, trong đó 35% sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm thời trang bền vững. Hiện nay, người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm và mong muốn lựa chọn các sản phẩm có tác động tích cực đến môi trường và xã hội. Vậy sau đây chúng ta cùng tìm hiểu xem ” Thời trang bền vững” là gì nhé:

Thời trang bền vững
Đã đến lúc chúng ta cần phải thay đổi tư duy về thời trang, mỗi bộ quần áo không chỉ giúp bạn toát lên vẻ đẹp bên ngoài mà nó còn phải thể hiện giá trị bên trong con người bạn 

                                                                                  

I. Thời trang bền vững là gì?

1. Thời trang bền vững – Sustainable Fashion

Thời trang bền vững hay Sustainable Fashion được hiểu theo một cách tổng quát đó là các sản phẩm thời trang, may mặc không tạo ra các tác động gây hại đến môi trường, kinh tế bao gồm từ nguyên liệu cho đến khâu sản xuất, quá trình sử dụng, phân huỷ hay tái chế.

Có nghĩa là vòng đời của một chiếc áo không gây ra những ảnh hưởng xấu đến lợi ích của môi trường, kinh tế. Và sản phẩm đó thực sự xanh, thân thiện.

Bền vững ở đây có nghĩa là có khả năng duy trì lâu dài. Tức là một ngành công nghiệp thời trang bền vững phải là một ngành có khả năng hoạt động được lâu dài, trong nhiều năm và trong những thập kỷ tới.

Bên cạnh đó thời trang bền vững còn được định nghĩa theo cụm từ “thời trang đạo đức” có nghĩa là những sản phẩm may mặc được tạo ra không giết chết những con vật vô tội hay phải coi trọng quyền lao động của người.

2. Những yếu tố tác động đến thời trang bền vững

Những nguyên liệu đầu vào: Nguồn nguyên liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên

Quy trình sản xuất: Quy trình sản xuất xanh, không có chất độc hại.

Người lao động: Được đối xử văn minh, được hưởng các phúc lợi xã hội.

Đạo đức nghề nghiệp: Không làm hại các loài động vật nhằm phục vụ múc đích may mặc.

Quá trình sử dụng: Sử dụng sản phẩm lâu dài, không mua khi chưa thực hiện được bài toán 30 lần.

Khả năng tái chế: Có thể tái chế lại được

Khả năng phân huỷ: Các sản phẩm may mặc phải có khả năng phân huỷ sinh học cao.

Đó là những yếu tố cần thiết để giúp cho thời trang được bền vững và tồn tại trong thời gian dài.

II. Nguyên nhân ra đời thời trang bền vững

1. Ảnh hưởng của thời trang với môi trường

Hiện tại khái niệm về thời trang bền vững dường như đang bị lãng quên bởi sự phát triển mạnh mẽ của Fast Fashion – thời trang nhanh. Fast Fashion đã làm cho nguồn nguyên liệu bị cạn kiệt vì việc thu mua hay sản xuất diễn ra liên tục nhằm đáp ứng kịp thời cho việc may mặc. Những nguồn nguyên liệu này đã không kịp để có thời gian tái tạo lại cũng như con người chỉ biết tàn phá chứ không có hành động tái sinh.

Có quá nhiều lượng thuốc trừ sâu ngấm vào đất gây hậu quả nghiêm trọng dẫn đến ô nhiễm nguồn đất và những phẩm màu của chất nhuộm thải ra môi trường làm ô nhiễm nguồn nước.

Thời trang là ngành thứ 2 tiêu thụ nhiều nước nhất và thải ra lượng carbon chiếm đến 10% tổng lượng carbon của tất cả các ngành. Thậm chí còn nhiều hơn lượng thải do máy bay và tàu thuỷ cộng lại. Và cứ sản xuất 1 kg vải thì sẽ thải ra 23 kg khí hiệu ứng nhà kính.

Sợi vải tổng hợp chiếm hơn 60%, vì vậy khi áo quần bị vứt bỏ đi chúng có khả năng không được phân huỷ. Điều này làm cho môi trường phải chứa đựng một lượng rác thải khổng lồ, ảnh hưởng chung đến không khí và làm ô nhiễm môi trường trầm trọng.

2. Giải pháp tạm thời

Trước tình hình này, để bảo vệ môi trường, nhiều hãng thời trang đã tìm kiếm các nguyên vật liệu an toàn và thân thiện với môi trường hơn, nhằm phục vụ cho ngành thời trang và giúp chúng được bền vững hơn. Và cũng từ đó khái niệm thời trang bền vững – Sustainable Fashion được ra đời.

Tuy nhiên, không phải hãng nào cũng có thể chạy theo bài toán đau đầu này được. Bởi chúng bao gồm rất nhiều yếu tố khác nhau, chứ không riêng gì việc cung cấp nguyên liệu. Vì lý do này mà thời trang bền vững chưa thực sự được thực hiện một cách chu toàn và hoản hảo.

Muốn xây dựng được thương hiệu thời trang bền vững, phải bỏ ra một khoản chi phí và chiến lược khá lớn nhằm giải quyết hết được các yếu tố cần và đủ để tạo nên được Sustainable Fashion.

 

III. Những việc cần làm để thời trang bền vững được phát triển

1. Đối với cơ sở sản xuất

a. Nguồn nguyên liệu

Các sản phẩm thời trang phải có nguồn gốc từ nguyên liệu thiên nhiên. Điển hình đó là những tấm vải phải được dệt từ những sợi vải được chế tạo từ cây cối hay từ các loại lông của con thú. Bên cạnh đó loại cây trồng để lấy sợi không được dùng thuốc trừ sâu hay các loại thuốc giúp cây phát triển khoẻ mạnh.

Thay vì sử dụng các nguyên liệu tổng hợp, đẩy mạnh việc trồng trọt và sử dụng các loại nguyên liệu như sợi bông, sợi lanh, sợi tơ tằm, sợi tre…Bên cạnh đó có thể sử dụng các loại vải như Lyocell hay Tencel.

Bên cạnh việc thu hoạch, cần phải có các biện pháp tái sinh lại cây trồng, không được để nguồn nguyên liệu bị cạn kiệt. Nhất là đối với những loại cây ở trong rừng, việc chặt phá rừng thường xuyên và biến chúng thành đồi trọc sẽ gây ra những thảm hoạ về thiên tai như lũ lụt hay sạt lỡ.

Thay vì dùng sợi nhân tạo Acrylic, có thể sử dụng sợi len được lấy từ lông thú. Nhưng một lưu ý quan trọng đó là không giết các loài thú để lấy lông. Ngoài ra chúng ta có thể tái chế những đồ dùng cũ đó là sử dụng chất liệu của những bộ trang phục chưa bán được để tạo thành sản phẩm may mặc mới. Việc làm này không những giúp tiết kiệm chi phí mà còn hạn chế được lượng rác thải đưa ra bên ngoài.

b. Quy trình sản xuất

Trong quá trình sản xuất đảm bảo rằng có phương pháp tối ưu nhằm hạn chế các chất thải bị đưa ra ngoài môi trường, dẫn đến ô nhiễm nguồn nước và đất đai. Không sử dụng các hoá chất có hại tham gia vào quy trình dệt vải hay may áo quần.

c. Nhân công

Không áp bức bốc lột sức lao động hay bắt con người tiếp xúc với hoá chất độc hại. Công nhân phải được làm việc trong khung giờ hợp lý và phải được hưởng đầy đủ chế đố phúc lợi của người lao động.

d. Bao bì

Không tạo ra các loại bao bì đóng gói không có khả năng phân huỷ. Chúng vừa có thể đựng đồ may mặc chắc chắn nhưng phải có khả năng tự phân huỷ sinh học giúp cho môi trường được bảo vệ trọn vẹn. Khi vận chuyển hàng hoá, hạn chế việc sử dụng túi nilon, thay vào đó là sử dụng các loại thùng giấy để gói hàng.

e. Thuốc nhuộm

Thuốc nhuộm cũng là một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm nguồn nước. Chính vì vậy việc sử dụng thuốc nhuộm tự nhiên đang được quan tâm chú ý. Thay vì màu nhuộm công nghiệp, chúng ta có thể lấy màu nhuộm từ cây cỏ hoa lá hay những loại thuốc nhuộm không độc hại đã được chứng nhận.

d. Sản xuất theo đơn đặt hàng

Hạn chế việc sản xuất hàng loạt và tạo ra những sản phẩm may mặc theo đơn đặt hàng. Điều này sẽ khiến cho một số lượng lớn áo quần được giảm tải sản xuất. Thay vào đó người tiêu dùng chỉ tiêu dùng những sản phẩm thực sự phù hợp với họ.

Khi sản xuất theo đơn đặt hàng, lượng nước để sản xuất vải cũng giảm xuống rất nhiều, tiết kiệm được nguồn nguyên liệu cho thế giới.

e. Sản phẩm thủ công

Hạn chế được việc sử dụng máy móc trong quá trình sản xuất áo quần, thì chúng ta nên tạo ra các sản phẩm bằng thủ công nhằm giúp cho lượng khí thải từ máy móc được giảm xuống, tránh gây ô nhiễm không khí.

f. Vận chuyển

Hạn chế việc sử dụng các sản phẩm may mặc nước ngoài. Ưu tiên sử dụng các hàng trong nước để giảm được các quá trình vận chuyển. Bên cạnh đó để giảm được những lượng khí thải ra trong quá trình vận chuyển, chúng ta nên giao hàng bằng các phương tiện sử dụng nguồn điện và không giao hàng nhiều lần trong một thời gian ngắn.

2. Đối với người tiêu dùng

a. Mua hàng online

Việc mua hàng online giúp hạn chế việc di chuyển ra ngoài đường, giảm được lượng khí thải của khói xe.

b. Thực hiện bài toán 30 lần

Đó là khi mua một bộ trang phục phải cân nhắc kỹ lưỡng xem mình có thể sử mặc 30 lần hay không. Chỉ có như vậy áo quần mới được sử dụng lâu dài, không bỏ hoang phí và trở thành nguồn rác trong tương lai.

Với người tiêu dùng, việc sử dụng áo quần trong một thời gian dài giúp hạn chế được lượng áo quần mới được sản xuất. Đóng góp vào việc xây dựng thời trang bền vững.

c. Tái chế

Với những đồ dùng không sử dụng nữa thay vì vứt bỏ đi, chúng ta sẽ tái chế và dùng cho mục đích khác. Có thể dùng làm khăn lau, may thành những tấm vải lớn để che nắng hay che bụi…

IV. Xu hướng thời trang bền vững 

1. Chọn tủ đồ linh hoạt, hợp với phong cách cá nhân

Nhiều người trong chúng ta dễ dàng bị lay chuyển bởi trào lưu. Thời trang nhanh (fast fashion) phất lên vì những người liên tục thay đổi phong cách thời trang khi chạy theo xu hướng hot nhất. Do họ liên tục mua sắm và đào thải sản phẩm cũ, điều này dẫn đến lượng sản phẩm bị vứt đi tăng lên đáng kể hàng năm.

Việc mua sắm và đào thải sản phẩm thời trang sẽ được hạn chế, nếu bạn hiểu rõ phong cách cá nhân và xây dựng được tủ đồ phản ánh gu thẩm mỹ riêng. Cho dù đó là phong cách tối giản kiểu Nhật, French Chic như gái Pháp, cottagecore lãng mạn, hay preppy học đường… Hãy xác định phong cách mình sẽ mặc suốt 10 năm tới đề tìm ra tủ đồ linh hoạt cho riêng mình.

Tủ đồ linh hoạt là tủ đồ với những sản phẩm có thể kết hợp theo nhiều phong cách và nhiều dịp. Cách này vừa hạn chế việc tiêu thụ quá mức, hướng đến tính bền vững.

Thời trang cổ điển, không logo, mang vẻ đẹp vượt thời gian được xem là những item đáng đầu tư cho người ủng hộ thời trang bền vững. Ảnh: CONG TRI

Thời trang cổ điển, không logo, mang vẻ đẹp vượt thời gian được xem là những item đáng đầu tư cho người ủng hộ thời trang bền vững. Ảnh: CONG TRI

2. Sử dụng các sản phẩm thời trang sản xuất từ thiên nhiên và vật liệu tái chế

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều các thương hiệu hàng đầu đang theo đuổi xu hướng thời trang bền vững, tiêu biểu có thể kể đến như thương hiệu giày Adidas. Với mục tiêu đến năm 2024 chỉ sử dụng nguyên liệu tái chế, hãng đã cho ra mắt các dòng sản phẩm có chất liệu từ rác thải tái chế như chai nhựa, lưới đánh cá,…

Parley x adidas Ultra BOOST 2015 làm từ chất liệu lưới đánh cá tái chế

Ở Việt Nam, nhiều nhà thiết kế tâm huyết cũng đã tạo ra các thương hiệu thời trang sử dụng các chất liệu hoàn toàn từ thiên nhiên, dễ phân hủy hoặc các chất liệu từ việc tái chế rác thải mang lại chất lượng cho người sử dụng và thể hiện sự tôn trọng đối với môi trường. Một vài thương hiệu có thể kể đến như Dòng Dòng- Sản xuất balo, ví tiền,… từ việc thu mua, tái chế bạt cũ, SHOEX – giày làm từ bã cà phê, Re.sock – tất làm từ rác thải nhựa,…

Re.sock và những đôi tất êm ái làm từ rác thải nhựa

Việc sử dụng các sản phẩm thời trang bền vững không chỉ tôn lên vẻ đẹp của chính bạn mà còn thể hiện trách nhiệm của bạn đối với môi trường. Một sản phẩm xanh thường có giá cao hơn các sản phẩm của các thương hiệu thời trang nhanh. Tuy nhiên, nếu đầu tư cho một sản phẩm có chất lượng, có thể sử dụng được nhiều lần, chi phí trên mỗi lần dùng sẽ thấp hơn rất nhiều thay vì sử dụng các món đồ kém chất lượng và bạn phải mua mới liên tục.

3. Thời trang đã qua sử dụng (resell)

Mua đồ đã qua sử dụng (secondhand) đang dần trở thành xu thế phổ biến của gen Z. Theo khảo sát của eBay năm 2022, có đến 80% số lượng đồ đã qua sử dụng được mua bởi những gen Z và khoảng 20% mua đồ cũ để tránh lãng phí quần áo. Bạn có thể dễ dàng mua được những món đồ chất lượng với giá rẻ hơn giá gốc một nửa hoặc hơn. Ngoài ra, việc này giúp tăng thời gian sử dụng sản phẩm, giảm số lượng quần áo bị vứt bỏ ra ngoài môi trường.

Bên cạnh việc mua, chúng ta có thể thanh lý lại những món đồ thời trang đã qua sử dụng nhưng vẫn còn chất lượng tốt. Bạn có thể đem sản phẩm tới các cửa hàng ký gửi để thanh lý. Một vài cửa hàng ký gửi uy tín với giá cả cực kỳ phải chăng, các cửa hàng này đã trở thành địa điểm lui tới thường xuyên của các bạn trẻ. Bên cạnh đó, các chợ nổi tiếng về đồ si như chợ Hoàng Hoa Thám, chợ Bàn Cờ… cũng là nơi lý tưởng để cùng bạn bè lựa đồ vào những ngày rảnh rỗi.

Việc mua sắm đồ second hand đang ngày càng phát triển ở thị trường thời trang tại Việt Nam

4. Thời trang cho thuê

Mô hình cho thuê quần áo cung cấp các trang phục như đồ công sở, đầm váy dự tiệc hoặc thời trang theo mùa. Với mô hình này, bạn có thể thỏa thích diện các bộ quần áo thời trang tại các buổi tiệc. Đa số các sự kiện này diễn ra không thường xuyên, do đó, nếu thuê quần áo, bạn có thể tiết kiệm được kha khá chi phí.

Thuê quần áo giúp tăng vòng tuần hoàn của một sản phẩm thời trang, giảm bớt rác thải, bảo vệ môi trường. Lợi ích đặc biệt nhất khi bạn thuê đồ chính là bạn có thể luôn mặc quần áo theo “trend” với giá cả phải chăng mà không phải vứt rác thải ra môi trường.

V. Kết luận

Với những giá trị mà thời trang bền vững mang lại, mỗi chúng ta nên nhìn nhận và thay đổi tư duy thời trang. Sử dụng thời trang bền vững góp phần tôn vinh vẻ đẹp bên trong của mỗi người và mang lại lợi ích cho xã hội. Là một công dân xanh của UEB, các bạn sinh viên có thể lựa chọn cho mình những trang phục phù hợp với phong cách và thân thiện với môi trường. Những đóng góp nhỏ này cũng sẽ góp phần xây dựng một UEB Zero Waste.

Qua những xu hướng thời trang thân thiện với môi trường đã nêu trên, hy vọng bạn đọc sẽ có thêm một số thông tin hữu ích để bổ sung vào lối sống xanh của chính mình!

Sinh viên: Phạm Hoàng An

Mã sinh viên: 21051331

Lớp: QH-2021-E KTPT CLC 4

Mã lớp học phần: INE3104 7

Xem thêm tại 

“Combat”, hữu dụng hay thời trang bóng rổ những năm 2000?

Thương hiệu Gucci – Nghệ Thuật, Sang Trọng và Phong Cách Độc Đáo số 1 Thế giới