Trong cuộc sống mà khoa học – công nghệ đang thay đổi như vũ bão từng ngày, đâu đó, chiếc máy ảnh film vẫn theo chân các bạn trẻ rong ruổi trên những nẻo đường.
Nội dung tóm tắt
Thú chơi vượt thời gian
Trong thời đại công nghệ số đang chuyển mình mạnh mẽ, mỗi tấm ảnh, mỗi thước phim đều có thể ghi lại trong nháy mắt với những chiếc máy ảnh hiện đại, hay thậm chí, chỉ bằng một chiếc smartphone bé bằng bàn tay. Những tưởng ảnh film chỉ còn lưu lại trong kí ức của những người lớn tuổi, hay chỉ còn lại là những mẩu phim cũ, đen đen kẹt lại trong một ngăn tủ nào đó đã lâu không mở ra.
Thế nhưng, giữa thập niên thứ 2 của thế kỷ 21, những chiếc máy ảnh film vẫn đang theo chân các bạn trẻ xuống phố. Lắp phim, lên cò, đo sáng, lấy nét và “tách”. Những tấm ảnh film vẫn tiếp tục xuất hiện trên những hội nhóm, những trang mạng xã hội Facebook, Instagram,… của những người trẻ, với một hashtag đầy kiêu hãnh: #filmisnotdead
Máy ảnh film – Thú chơi của sự đầu tư, kiên nhẫn và rủi ro
Có người cho rằng, sở hữu một chiếc máy ảnh film ít tốn kém hơn so với việc có trong tay một chiếc máy ảnh kỹ thuật số, khi giá thành của chiếc máy film chỉ dao động từ vài trăm cho tới vài triệu một body máy. Nhưng nếu tham gia vào các nhóm chơi máy ảnh film, sẽ không hiếm để bắt gặp các bạn trẻ tự gọi mình là những kẻ “bán thận nuôi film”.
Vậy tại sao lại thế nhỉ?
“Một tiền gà, ba tiền thóc”!
Bên cạnh việc sở hữu cho mình một chiếc body máy vừa ý, một bộ lens chất lượng, thì việc lưu trữ hình ảnh cũng là một vấn đề đáng được quan tâm.
Nếu như máy ảnh kỹ thuật số xử lý hình ảnh bằng một hệ thống cảm biến, và lưu trữ trong những chiếc thẻ nhớ có khả năng chứa hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tấm ảnh cùng một lúc, thì những chiếc máy film thu nhận và ghi lại hình ảnh trên những cuộn film.
Có nhiều loại film khác nhau, tùy vào kích cỡ hoặc chủng loại mà có thể gọi tên như film 135 (hay film 35mm), film 120, film âm bản, film dương bản, film đen trắng,… Nhưng nhìn chung, đa số các loại film thông dụng đều chỉ có thể lưu 24 hoặc 36 khung hình. Giá thành của các loại film lại đang tăng với tốc độ khá là “gây sốc”. Trở lại với khoảng thời gian giữa năm 2019, giá một cuộn film phổ thông thường chỉ dao động từ 70.000 đến 120.000 đồng một cuộn, thì đến cuối năm 2020, giá mỗi cuộn đã tăng lên thành 100.000 đến 200.000 đồng, chưa kể chi phí tráng film vào khoảng 30.000 – 60.000 đồng.
Điều đó đồng nghĩa với việc, nếu muốn chụp càng nhiều, người chơi máy ảnh film lại càng phải chi nhiều hơn, với số tiền cho mỗi cuộn film tương đương một chiếc thẻ nhớ 8GB (với sức chứa khoảng 300 ảnh RAW)!
Sống chậm lại giữa thế gian vội vã
Không chỉ tốn kém với các khoản chi phí bằng tiền mặt, thú chơi ảnh film còn yêu cầu ở người chụp sự đầu tư về mặt thời gian.
Khi đã quyết định theo đuổi với thú chơi máy ảnh film, là đã quyết định tìm về với công nghệ cũ. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc người chụp phải bỏ công sức, thời gian để tìm hiểu những kỹ thuật cơ bản như cách lắp và lấy film, cách đo sáng, chỉnh khẩu, chỉnh tốc,… Với một số loại máy bán cơ hay máy điện, việc đo sáng, lấy nét hay thậm chí load film có thể được thực hiện tự động, nhưng nếu muốn được thực sự trải nghiệm một chiếc máy full cơ, thì việc phải thiết lập các thông số một cách thủ công là điều hoàn toàn bình thường.
Thay vì chỉ cần giơ máy lên và ấn “tách” một cái với những thông số đã được tính toán chính xác bởi công nghệ tiên tiến, người chụp ảnh film trước khi bấm máy còn phải cân nhắc rất nhiều. Mỗi một bức ảnh ra đời là một sự kết hợp công phu của người chụp, từ việc lựa chọn loại film nào với độ nhạy sáng (ISO) bao nhiêu, đặt khẩu, tốc như thế nào, nên ưu tiên khẩu hay ưu tiên tốc,… sao cho phù hợp với từng điều kiện thời tiết, ánh sáng hay dụng ý khác nhau.
Chụp xong một tấm hình chưa phải là tất cả. Đối với những dòng film không phải loại chụp ảnh lấy liền, để có thể thấy được thành quả của mình, người chụp còn phải qua một bước tráng film. Công đoạn tráng film có thể tự tiến hành, hoặc gửi tráng tại một số lab như Chiu lab, Lab 36+,… Mỗi cuộn film gửi tráng sẽ mất từ 1 đến 7 ngày để nhận được kết quả, tùy vào loại film.
Nhưng trên thực tế, thời gian để có thể xem được tấm ảnh mình chụp còn dài hơn vậy nữa. Việc tráng rửa film chỉ có thể tiến hành khi đã chụp hết một cuộn film. 24 hay 36 kiểu chụp, nghe có vẻ ít, nhưng vì nhiều lý do mà để hoàn thành một cuộn film có khi mất tới vài ngày, vài tuần hay thậm chí là vài tháng.
Vì thế cho nên, có thể nói chơi máy ảnh film không phải là một thú vui dành cho những người thiếu kiên nhẫn.
Máy ảnh film – Thú vui từ sự trải nghiệm
Bao hàm nhiều loại chi phí và rủi ro là vậy, nhưng máy ảnh film vẫn có một sức hút lớn đối với các bạn trẻ. Vì chụp ảnh film không chỉ là chụp ảnh, mà đó còn là trải nghiệm.
Màu ảnh của sự retro, bất ngờ và cảm xúc
Gõ một cụm từ khóa nhỏ “app chỉnh màu film” trên Google, sẽ không khó để có thể thấy những danh sách dài các ứng dụng như 1988 Cam, Gudak Cam,… có thể đem lại cho những tấm ảnh kỹ thuật số màu sắc “giả film”. Nhưng những ứng dụng chỉnh ảnh retro theo-dụng-ý này sẽ không thể đem lại những trải nghiệm đầy cảm xúc như những gì mà một chiếc máy ảnh film đem lại.
Màu của ảnh film là luôn là một điều bất ngờ.
Màu của ảnh film không phải là được quyết định bởi người cầm máy, mà là bởi những cuộn film. Mỗi cuộn film của mỗi hãng khác nhau sẽ có những tông màu rất riêng biệt. Kodak thì ám vàng. Fuji thì ám xanh. Nếu muốn trải nghiệm những màu lạ và bất ngờ hơn nữa, thì hãy chọn một cuộn cine (film điện ảnh) hoặc một cuộn film đã hết hạn (outdate),…
Bên cạnh đó, điều kiện bảo quản, thành phần, tỉ lệ hóa chất tráng film khác nhau cũng có thể khiến cho màu ảnh trở nên khác biệt. Cùng là một cuộn Kodak Gold 200, nhưng tráng ở 2 lab khác nhau, sẽ cho ra những bức ảnh với tông màu khác nhau đôi chút.
Kiên nhẫn, kiên nhẫn, và thật kiên nhẫn
Như đã nói ở trên, máy ảnh film đòi hỏi ở người dùng một sự đầu tư và kiên nhẫn.
Sự kiên nhẫn đòi hỏi từ sự tỉ mẩn trong việc chọn máy, chọn lens, chọn film, từ công đoạn lắp film vào máy, cho đến khi cầm máy lên chụp, và chờ đợi tác phẩm về tay. Sự kiên nhẫn còn đòi hỏi ở sự kiên trì, không nản chí khi thành quả không đạt như mong đợi.
Một ai đó đã nói rằng, 500 cuộn đầu tiên chỉ là bạn đang học chụp film.
Vẻ đẹp từ những sai lầm
Sau khi đã dành công sức bỏ ra một quãng thời gian dài chờ đợi, vẫn có thể tiềm tàng những rủi ro không thể biết trước trước khi mở file ảnh. Có khi vì lý do chủ quan từ phía người chụp, như load film sai cách, đo sáng, lấy nét sai dẫn đến các rủi ro như tuột film, đứt film, sai tỷ lệ, sai bố cục, thừa sáng, thiếu sáng, out nét,…Cũng có khi lý do đến từ phía khách quan, khi những chiếc máy ảnh có tuổi đời lên đến gần một thế kỷ, các chi tiết hoạt động không còn được chuẩn xác, dẫn đến những sự cố như hở sáng, cháy sáng,…
Đây là các lỗi khi chụp ảnh film, nhưng với một số người, đây lại là những vẻ đẹp độc đáo và ngẫu hứng mà chỉ khi chụp ảnh bằng máy film, ta mới có cơ hội được trải nghiệm.
Học chụp ảnh film – Học cách trân quý từng khoảnh khắc
Không giống như việc chụp ảnh bằng điện thoại di động hay máy ảnh kỹ thuật số có thể chụp liên tục nhiều tấm ảnh để chọn ra một tấm ổn nhất, máy ảnh film, với đặc trưng về giá thành cũng như hạn chế về mặt số lượng khung hình, mà việc chụp ảnh cần cân nhắc nhiều hơn trước khi bấm máy.
Bên cạnh đó, việc không thể xem lại ngay tấm hình vừa chụp cũng khiến người cầm máy không thể biết được tấm ảnh có bị lỗi hay không. Vì vậy, mỗi khoảnh khắc được ghi lại trong tấm ảnh film là duy nhất, chứa đựng trong đó là cảm xúc, trực giác hay có thể là sự ngẫu hứng không dễ gì có lại lần thứ hai.
Thay cho lời kết
Giữa cuộc sống náo nhiệt và xô bồ, giữa những cuộc đua công nghệ gay gắt của những nhà sản xuất thiết bị điện tử, máy ảnh film vẫn tồn tại như một thanh âm khác biệt, một nơi chốn bình yên của một bộ phận các bạn trẻ. Qua lăng kính của chiếc máy ảnh film, cuộc đời vội vã bỗng có những khoảnh khắc thật yên bình…
Trở lại với cuộc sống hiện đại, các bạn có thể xem thêm một số bài viết về các sản phẩm công nghệ mới như: máy pha cà phê, lò vi sóng, hay những công nghệ hữu ích khác.
Nguyễn Thu Trang – 18050611