Gừng là gia vị rất đỗi quen thuộc trong căn bếp của gia đình Việt. Tác dụng của gừng không chỉ trong chế biến món mà còn là vị thuốc rất tốt cho sức khỏe. Các cách dùng, lưu ý khi sử dụng để tăng công dụng gừng sẽ được chia sẻ thêm trong bài viết sau đây.
Nội dung tóm tắt
Gừng là gì?
Gừng là một loại gia vị thường xuyên xuất hiện trong mọi căn bếp. Củ gừng có vị cay và hương thơm đặc biệt, có thể dùng để điều vị thêm hương. Nó là thứ gia vị vô cùng hấp dẫn và không thể thiếu trong cuộc sống. Gừng có thể ăn sống, có thể nấu chín, có thể ngâm, cũng có thể gia công thành nước gừng, bột gừng, rượu gừng, gừng khô,… Thậm chí có thể chiết xuất để sản xuất hương liệu.
Trong y học cổ truyền, gừng được sử dụng như một vị thuốc dùng đơn độc hoặc phối hợp trong nhiều bài thuốc. Y học hiện đại đã có nhiều nghiên cứu về thành phần hóa học trong củ gừng. Thành phần chính mang lại tác dụng của gừng là tinh dầu. Gừng chứa 2- 3% là tinh dầu. Đáng chú ý nhất trong tinh dầu gừng là Cineol với tác dụng nổi bật về diệt khuẩn, chống viêm. Để chiết xuất được tinh dầu gừng nguyên chất rất khó vì phải loại bỏ lớp dầu gừng Dầu gừng thường chứa khoảng 25 đến 30% tinh dầu trong đó và các chất có vị cay đặc trưng.
Tác dụng của gừng cho sức khỏe
Gừng trong Đông y được gọi là vị thuốc can khương, sinh khương có vị cay tính nóng là vị thuốc có nhiều tác dụng cho sức khỏe.
Tác dụng của gừng tăng huyết áp
Những cơn tụt huyết áp khiến người bệnh hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi có thể ngất đi. Lúc này cần sử dụng chất có khả năng kéo huyết áp tăng lên.
Gừng có tính ấm, kích thích huyết áp, gây hưng phấn. Vì thế, với những trường hợp huyết áp thấp, hạ huyết áp đột ngột gừng có thể nâng dần huyết áp lên rất tốt.
Với những người huyết áp thấp nên sử dụng hàng ngày, đều đặn giúp tình trạng huyết áp thấp được cải thiện.
>>> Xem thêm: Huyết áp thấp và những điều bạn cần biết
Công dụng của gừng cho tim mạch
Trong đông y, tính ấm từ gừng có thể cải thiện tính lưu thông máu. Y học hiện đại phát hiện khả năng hạ cholesterol, ngăn ngừa các cơn đau thắt ngực. Vì thế, gừng là vị thuốc quý cho các bệnh nhân tim mạch.
Sử dụng gừng mỗi ngày giúp cải thiện các bệnh lý tim mạch, tăng cường lưu thông máu.
Gừng trị cảm mạo phong hàn
Cảm mạo phong hàn gặp phải khi thời tiết lạnh, hàn khí độc xâm nhập cơ thể gây nên triệu chứng mệt mỏi. Tác dụng của gừng làm ấm cơ thể, tán hàn tức là xua đuổi tà khí lạnh xâm nhập vào cơ thể. Vì thế, gừng trị cảm mạo, cảm lạnh rất tốt.
Kể cả khi bị cảm nắng, huyết áp tụt uống nước gừng cũng làm cơ thể trở lại bình thường, giải cảm rất hiệu quả.
Gừng trị say xe
Say xe là cảm giác buồn nôn, chóng mặt, quay cuồng và mệt mỏi rất khó chịu khi phải ngồi trên xe trong suốt cuộc hành trình. Tác dụng của gừng là tăng cường tuần hoàn máu, làm giảm cảm giác chóng mặt, nhức đầu. Mặt khác, tinh dầu của gừng có mùi rất thơm, khi ngửi có thể bớt buồn nôn vì át được mùi xăng xe.
Trước khi khởi hành khoảng 30 phút bạn nên uống 1 cốc nước gừng ấm với đường. Khi lên xe ngậm vài lát gừng trong miệng là biện pháp trị say tàu xe rất hiệu quả.
Tác dụng của gừng khi bị ho, viêm họng
Gừng quy kinh phế (phổi), làm ấm phế theo Đông y. Gừng có tính ấm, có khả năng sát khuẩn, chống viêm vì thế gừng mang lại hiệu quả rất tốt khi bị ho, ho có đờm, viêm họng.
Tác dụng trị ho từ gừng đã được ứng dụng trong nhiều bài thuốc đông y, các sản phẩm từ viên ngậm, siro chữa ho mang lại hiệu quả, an toàn.
Gừng tốt cho tiêu hóa
Ngoài kinh phế, gừng còn quy kinh tỳ, vị. Theo tây y gừng giúp kích thích nhiều nước bọt, dịch vị, dịch mật để tiêu hóa thức ăn. Gừng trị các chứng chướng bụng, đầy hơi, ợ hơi, khó tiêu. Uống chút nước gừng người bệnh sẽ cảm thấy nhẹ bụng, dễ chịu.
Tác dụng của gừng làm giảm đau bụng kinh
Các chứng đau bụng kinh do ứ huyết mà gây nên. Nhiều chị em vượt qua ngày đèn đỏ vô cùng khổ sở vì những cơn đau thắt tử cung. Nước gừng ấm giúp khí huyết lưu thông, đánh tan huyết ứ làm giảm ngay cơn đau bụng kinh cho chị em khi đến ngày đèn đỏ.
Gừng trị chứng lạnh chân tay, ra mồ hôi chân tay
Chứng lạnh tay chân, ra mồ hôi chân tay rất thường gặp ở những người âm hư, thường xuyên cảm thấy lạnh, yếu. Tác dụng của gừng là làm ấm cơ thể, trị biểu hư khiến chân tay ra mồ hôi. Bài thuốc từ gừng giúp ngăn tình trạng mồ hôi chân tay, làm ấm chân tay. đả thông khí huyết, giúp khí huyết điều hòa, nâng cao thể trạng cơ thể.
Tác dụng của gừng trị hôi chân
Các tinh dầu từ gừng có khả năng khử mùi, diệt các vi khuẩn, nấm chân hiệu quả. Vì thế, bài thuốc ngâm chân từ gừng được sử dụng nhiều cho những ai thường xuyên phải đối mặt với mùi khó chịu của đôi chân.
Cách dùng gừng để chữa trị bệnh như thế nào?
Sử dụng gừng như gia vị trong các món ăn hàng ngày hoặc uống trà gừng mỗi ngày. Y học cổ truyền tuy theo các chế biến, sử dụng mà có các vị thuốc từ gừng như:
- Sinh khương: củ gừng tươi.
- Can khương: Gừng tươi rửa sạch, thái lát và phơi khô.
- Bào khương: Củ gừng đồ chín, phơi khô rồi sao cháy đen.
- Thán khương: Gừng khô, sao cháy đen.
Mỗi một cách chế biến gừng theo y học cổ truyền sẽ điều chỉnh tác dụng của gừng khác nhau. Nhất là chúng sẽ được kết hợp với nhiều vị thuốc khác trong các bài thuốc điều trị bệnh khác nhau.
Theo dân gian, để phát huy tác dụng của gừng như 1 vị thuốc hàng ngày sẽ sử dụng theo những cách đơn giản nhất.
- 1 củ gừng rửa sạch, đập dập. Thêm nước nóng, đường để ấm ấm rồi uống khi bị tụt huyết áp, đau bụng lạnh, cảm lạnh, chân tay lạnh sẽ cảm thấy người khỏe trở lại, người ấm lên và huyết áp trở lại bình thường.
- Gừng pha mật ong: thay vì đường có thể pha bằng mật ong. Cách làm này tốt hơn khi bị ho, đau họng, viêm họng.
- Gừng hấp quất,mật ong
- Sử dụng các sản phẩm trà gừng pha sẵn dạng cốm chiết xuất từ gừng hoặc viên ngậm ho, siro từ gừng.
- Trà gừng tự pha: Gừng rửa sạch, để cả vỏ, thái mỏng, phơi khô bỏ vào lọ kín để dùng dần. Khi uống lấy 1 vài lát hãm với nước sôi.
- Ngâm chân với nước ấm cùng gừng và muối trắng. Chuẩn bị chậu nước ấm 40 đến 50 độ, đập dập 1 củ gừng cùng 1 chút muối trắng ngâm chân trong vòng 30 phút mỗi ngày. Cách làm này vừa làm đả thông khí huyết làm ấm chân tay, giảm bớt mồ hôi và mùi khó chịu của chân vừa làm dễ ngủ.
- Dùng gừng như 1 gia vị làm tăng hương vị cho món ăn vừa làm ấm cơ thể như 1 vị thuốc. Nấu cháo hay hấp thức ăn cùng với gừng cũng là cách tăng tác dụng của gừng cho sức khỏe.
Những người nào không nên sử dụng gừng?
Mặc dù tác dụng của gừng rất tuyệt vời nhưng không phải ai cũng sử dụng được. Có những trường hợp không nên sử dụng gừng.
- Những người bị nhiệt, nóng trong người: Gừng có tính nóng vì thế dùng gừng lâu ngày sẽ gây tích trữ nhiệt lượng trong cơ thể. Dần dần cơ thể tích nhiệt càng làm nặng thêm tình trạng bốc hỏa, bệnh nóng trong người như nổi mụn, táo bón, đái rắt, tính khí nóng nảy.
- Những người bị trĩ, uống nhiều rượu, hay mọc ung nhọt cũng không nên dùng gừng sẽ làm trầm trọng hơn triệu chứng bệnh.
- Những bệnh nhân có bệnh về mắt, mắt đỏ, xung huyết cũng không nên dùng gừng nhiều.
- Bệnh nhân cao huyết áp nhất là khi bị tăng huyết áp kịch phát không nên dùng gừng vì gừng làm tăng huyết áp.
Gừng không những là gia vị truyền thống làm tăng hương vị của món ăn trong bữa cơm của người Việt mà còn là vị thuốc rất hay. Có vô vàn các dụng của gừng được sử dụng chữa trị những triệu chứng bệnh đơn giản thường gặp. Hy vọng qua bài viết này, quý bạn đọc đã biết sử dụng vị thuốc độc đáo này cho sức khỏe.
|>>> Có thể bạn chưa biết?
- Đây là cách chữa tóc bạc sớm hiệu quả nhất!
- Hướng dẫn bài tập thể dục buổi sáng đơn giản, hiệu quả
- Chuối hột – “thần dược” từ khu vườn dân giã