Giấc ngủ vào ban đêm chính là khoảng thời gian thiết yếu hằng ngày. Ngủ giúp cơ thể nghỉ ngơi, thư giãn. Đồng thời cũng giải độc, tái tạo và cung cấp lại năng lượng cho ngày hôm sau. Một giấc ngủ ngon suốt đêm được xem là một liều thuốc chữa lành các tổn thương về mặt thể chất lẫn tinh thần của mỗi con người. Tuy nhiên, cứ 100 người thì lại có 30 – 40 người bị mất ngủ hàng đêm. Vậy nguyên nhân mất ngủ do đâu?
Nội dung tóm tắt
Nguyên nhân mất ngủ tạm thời
Bị mất ngủ tạm thời là những trường hợp mất ngủ chỉ vài đêm hoặc trong thời gian ngắn một vài tuần, ở những người bình thường. Mất ngủ tạm thời là rối loạn hay gặp nhất chiếm 30 đến 40% dân số. Với nhiều nguyên nhân đa dạng như:
- Những biến cố trong cuộc sống như: Người thân mất, khó khăn về kinh tế, gia đình, nghề nghiệp, tình cảm,…
- Sinh hoạt không điều độ: Ngủ trưa quá nhiều, lạm dụng các chất kích thích, đi ngủ, thức dậy thất thường, chơi thể thao buổi tối, công việc quá nhiều
- Các bệnh cơ thể: Đau cấp, ho, sốt, viêm họng, dị ứng, mẩn ngứa,… Các dị ứng thông thường như nghẹt mũi và ngứa mắt sẽ làm gián đoạn sự thoải mái của bạn trong đêm, và có thể làm phiền giấc ngủ. Theo các nghiên cứu, ít nhất 59% người dân trên thế giới bị dị ứng mũi phải đối mặt với việc không ngủ ngon. Một trong những cách tốt nhất để giảm bớt các chất gây kích ứng là thường xuyên vệ sinh và giặt ga giường…
- Môi trường: Tiếng ồn, ánh sáng, không khí, phòng ngủ không thích hợp,…
Việc điều trị nhóm mất ngủ này cũng khá đơn giản. Loại trừ những nguyên nhân gây mất ngủ có thể giúp bạn dễ ngủ hơn. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng những loại thuốc thảo dược hoặc thuốc ngủ phù hợp. Tuy nhiên phải dưới sự chỉ định của thầy thuốc trong thời gian ngắn vài ngày hoặc vài tuần với liều thấp.
Nguyên nhân mất ngủ mãn tính
Nguyên nhân mất ngủ từ các bệnh về tâm thần
- Rối loạn lo âu thường đưa đến tình trạng khó đi vào giai đoạn ru giấc ngủ.
- Mất ngủ hoàn toàn do cơn hưng cảm, trạng thái hoang tưởng, những trạng thái lú lẫn. Những trạng thái này làm rối loạn chu kỳ thức-ngủ và thường đưa đến tình trạng kích động ban đêm.
- Những trường hợp rối loạn nhân cách, nghiện ngập thường dẫn đến tình trạng mất ngủ mạn tính.
Để điều trị mất ngủ bởi các vấn đề tâm lý còn phải tùy vào từng nguyên nhân. Điều trị phải nhắm vào các rối loạn tâm thần. Theo đó, sử dụng các thuốc chống loạn thần, các thuốc chống trầm cảm, các thuốc giải lo âu, các thuốc điều hòa khí sắc và các liệu pháp trị liệu tâm lý phù hợp.
Nguyên nhân mất ngủ do các căn bệnh
Rất nhiều bệnh có thể đưa đến tình trạng mất ngủ, đặc biệt là những bệnh lý sau:
- Hệ thống miễn dịch trong cơ thể suy yếu là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các bệnh như cảm cúm, sốt, viêm mũi dị ứng,…
- Các chứng đau cấp vì mãn tính, ví dụ như đau trong bệnh viêm khớp thường tăng vào ban đêm,… Chính vì thế gây khó ngủ, mất ngủ cho người bệnh.
- Các bệnh đường tiêu hóa: như loét dạ dày tá tràng
- Các bệnh tiết niệu: như u tiền liệt tuyến, tiểu gắt tiểu buốt,…
- Các bệnh nội tiết như tiểu đường, cường giáp,…
- Các bệnh tim mạch, hô hấp: như viêm phế quản, hen suyễn,… cũng gây mất ngủ. Ở Đại học Pittsburgh (Hoa Kỳ) có một số nghiên cứu và phát hiện ra rằng. Có đến 37% người trưởng thành mắc bệnh hen suyễn sẽ có nguy cơ về giấc ngủ.
- Các bệnh thần kinh: bệnh Parkinson, Alzheimer, tai biến mạch máu não,… Cũng là một trong những căn bệnh gây mất ngủ.
Ở trường hợp này, tùy thuộc vào nguyên nhân mất ngủ người ta sẽ có những phương pháp điều trị khác nhau. Thường thì các bác sĩ sẽ kết hợp đơn thuốc với nhóm thuốc an thần nhẹ Benzodiazepine trong thời gian ngắn.
Nguyên nhân mất ngủ do thuốc và những chất kích thích
- Lạm dụng những chất kích thích như café, thuốc lá, amphetamine, cocaine,…
- Lạm dụng rượu rượu gây ra tình trạng dễ vào trạng thái ru ngủ nhưng sẽ giảm thời gian ngủ sâu và giai đoạn giấc ngủ nghịch thường. Thường thức dậy sớm và không hồi phục sau khi thức dậy.
- Một số thuốc như: Theophylline, Corticoide, thuốc chống trầm cảm tác dụng kích thích, các thuốc ngủ dùng trong thời gian dài.
Đối với những nguyên nhân mất ngủ trên, người bệnh nên từ bỏ những thói quen lạm dụng chất kích thích. Đồng thời, thay đổi giờ uống thuốc cho phù hợp tránh ảnh hưởng tới giấc ngủ.
Mất ngủ mạn tính tiên phát
Loại mất ngủ này tập hợp phần lớn những trường hợp mất ngủ mà ở đó không thấy bất cứ nguyên nhân cụ thể về bệnh tâm thần hay bệnh nào. Biểu hiện duy nhất là mất ngủ. Người ta phân biệt ra những loại sau:
- Mất ngủ vô căn tiến triển từ tuổi ấu thơ. Thường có nguyên nhân từ những sự kiện xảy ra trong ngày mà trẻ chứng kiến gây ra.
- Mất ngủ tâm sinh lý là những nguyên nhân mất ngủ được hình thành từ việc lặp đi lặp lại do nguyên nhân tâm lý sợ giấc ngủ. Ví dụ như trong giấc ngủ xảy đến những hiện tượng làm người ngủ kinh sợ, có thể là những giấc mơ hoặc ảo giác. Để tránh gặp phải những tình trạng đó, người bệnh né tránh giấc ngủ
Ở trường hợp này, người bệnh cần phối hợp nhiều biện pháp như sinh hoạt điều độ. Tuân thủ chặt chẽ giờ giấc thức, ngủ, thư giãn liệu pháp, tâm lý liệu pháp. Một số liệu pháp nhận thức hành vi cũng có thể giúp cải thiện tình trạng này.
Phụ nữ sinh con và mãn kinh
Ngoài ra, tình trạng không ngủ được hay bệnh khó ngủ về đêm thường rơi vào phụ nữ. Đặc biệt là những người phụ nữ trong suốt cuộc đời trải qua những cột mốc như làm mẹ và mãn kinh, các giai đoạn này đều có ảnh hưởng ít nhiều đến giấc ngủ.
- Ở giai đoạn chuẩn bị làm mẹ và chăm con nhỏ, ngoài việc nội tiết tố trong cơ thể thay đổi thì tâm lý người phụ nữ cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Việc chăm con phải thức đêm nhiều lần, kéo dài 1 tháng hoặc 1 vài tháng khiến giấc ngủ mẹ bỉm sữa bị thay đổi và có xu hướng không ngủ được vào ban đêm, bệnh mất ngủ về đêm.
- Còn ở phụ nữ mãn kinh, tình trạng mất ngủ đêm cũng do thay đổi nội tiết tố, tình trạng bốc hỏa về đêm khiến người phụ nữ khó ngủ đêm hơn, giấc ngủ bị gián đoạn nhiều lần.
Con người dành đến 1/3 thời gian trong đời là để ngủ, tuy nhiên không phải lúc nào quá trình này cũng diễn ra bình thường. Việc mất ngủ kéo dài sẽ đem đến cho bạn hàng loạt hệ lụy sức khỏe như mệt mỏi, gà gật, da xấu, suy giảm miễn dịch, giảm khả năng nhận thức, tư duy và tập trung. Chính vì thế, tìm ra nguyên nhân mất ngủ chính là bước đầu tiên để có thể đưa ra các biện pháp dễ ngủ và ngủ ngon hơn.
> Xem thêm: Ngủ trưa có tốt không? 3 khoảng thời gian ngủ trưa tốt nhất
Ngủ mở mắt: nguyên nhân, cảnh báo và nguy cơ đối với người bị