Nấm móng tay là bệnh da liễu thường gặp ở nhiều người và rất khó chữa trị dứt điểm. Nấm móng vừa gây khó chịu cho người bệnh lại vừa làm mất thẩm mỹ của đôi tay. Hãy cùng tìm hiểu về căn bệnh này qua bài viết sau đây.
Nội dung tóm tắt
Bệnh nấm móng tay là gì?
Bất kỳ một bộ phận nào của cơ thể đều có chức năng của nó. Móng tay được sinh ra không những bảo vệ ngón tay khi làm việc mà còn làm đẹp cho đôi bàn tay. Bệnh nấm móng là căn bệnh mà móng tay bị nhiễm nấm gây tổn thương, biến dạng móng.
Vi khuẩn, nấm có thể sinh sôi và phát triển trên bất cứ bộ phận nào của cơ thể. Có các loại nấm ưa thích tồn tại trên móng tay, móng chân làm phá hủy móng. Bệnh nấm móng xảy ra ở nhiều người, là căn bệnh có thể lây nhiễm cho người khác và rất khó điều trị khỏi hoàn toàn.
Triệu chứng của nấm móng tay
Nấm móng ban đầu có thể gây nên những triệu chứng nhẹ ở 1 vài móng. Hình dạng móng bị thay đổi gây mất thẩm mỹ và không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Tuy nhiên, khi bệnh không được kiểm soát, bệnh trở nên nặng hơn sẽ làm tổn thương móng vĩnh viễn ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt, thẩm mỹ, sức khỏe.
Để phát hiện bệnh lý nấm móng tay, những thay đổi về hình dạng, màu sắc, cảm giác móng sẽ là gợi ý chính xác nhất:
- Màu sắc móng thay đổi: Móng tay chuyển sang màu nâu, trắng ngà, vàng không như màu tự nhiên bình thường của móng.
- Hình dạng móng biến đổi: Móng có thể bị lẹm, bị tụt dần không phát triển như bình thường. Móng trở nên dày lên nhưng lại dễ gãy, không dài ra được.
- Móng mủn dần. Phần dưới móng có nhiều bột vụn.
- Móng mất đi độ bóng thường thấy mà trở nên xù xì, lồi lõm.
- Móng có mùi hôi khó chịu.
- Xung quanh móng phần da thường xuyên sưng đỏ.
- Bệnh nhân sẽ cảm thấy rất ngứa móng, đau nhức đôi khi có mủ.
Hậu quả của nấm móng tay gây ra
Ban đầu nấm móng chỉ xảy ra ở 1 vài móng sau đó lây lan ra toàn móng tay. Bạn có thể chỉ cảm thấy vẻ ngoài xấu xí của móng, đau nhức nhẹ, khó khăn khi làm việc. Lâu dần khi móng bị tổn thương sâu thậm chí cụt móng thì cơn đau sẽ thực sự ghê gớm. Tất nhiên lúc này bạn không thể làm được bất kì việc gì khác vì đã mất đi lớp áo giáp bảo vệ.
Nấm móng có thể lây lan ra cả phần da, thịt khi vi khuẩn ăn cụt cả móng tay gây nhiễm vi khuẩn ăn thịt tại đó. Lúc này, tình trạng nấm móng đã trở nên tồi tệ và ảnh hưởng đến cả sức khỏe toàn cơ thể.
Nguyên nhân gây nấm móng
Vi nấm thuộc 2 chủng nấm men (Candida) và nấm sợi (Dermatophytes) kí sinh trên móng tay là nguyên nhân thường gặp nhất gây bệnh. Những yếu tố làm tăng khả năng nhiễm nấm trên móng tay là nguyên nhân trực tiếp gây bệnh.
Bị nấm móng do tiếp xúc với môi trường ẩm ướt
Môi trường nước, ẩm ướt đặc biệt khi môi trường đó kém vệ sinh là điều kiện lý tưởng để nấm sinh sôi và phát triển. Những người thường xuyên phải làm việc trong những môi trường như vậy sẽ dễ mắc bệnh.
- Những người làm ruộng, làm công việc dọn vệ sinh, người bán hải sản, tôm cá…
- Những người bị phong thấp, ra mồ hôi chân tay nhiều, tay chân luôn ẩm ướt tiềm tàng nhiều vi trùng.
Bị nấm móng do nguyên nhân bệnh lý khác
Nấm móng có thể là hậu quả thứ phát của các bệnh lý khác. Điển hình là:
- Bệnh tiểu đường: Biến chứng tiểu đường gây nên tình trạng cơ thể giảm miễn dịch rất dễ mắc các bệnh da liễu về chân tay trong đó có nấm móng tay.
- Bệnh lý suy giảm miễn dịch như HIV,… Nó khiến cơ thể giảm sức đề kháng bình thường với sự xâm nhập gây bệnh của nấm, vi khuẩn.
- Các bệnh lý gây rối loạn mạch máu, kém nuôi dưỡng đến các chi cũng là nguyên nhân gây nấm móng tay.
Nhiễm nấm móng tay do lây từ người khác
Như đã nói ở trên, nấm móng hoàn toàn có thể lây lan từ móng này sang móng khác và từ người này sang người khác. Vì vậy việc dùng chung tất, giầy, gang tay của người bị nấm móng trước đó có thể khiến bạn bị lây bệnh nấm móng tay. Đặc biệt, khi móng của bạn đang bị tổn thương hở thì nấm càng dễ dàng xâm nhập và lây lan gây bệnh.
Điều trị nấm móng tay
Các bệnh lý do vi nấm gây ra nhìn chung rất khó điều trị dứt điểm và rất dễ tái phát. Mục tiêu điều trị là giảm nhẹ triệu chứng, nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân và ngăn chặn tái phát bệnh.
Điều trị bằng cách thuốc bôi móng tại chỗ
Có một số thuốc bôi có thể giúp giảm tình trạng nấm móng như:
- Các thuốc bôi tại chỗ gồm các thuốc kháng nấm như thuốc Ketoconazole (Nizoral), Exoderil… dạng kem bôi.
- Một số thuốc có tác dụng diệt khuẩn và diệt nấm như cồn BSI dạng nước.
- Một số thuốc kháng viêm corticoid làm giảm tình trạng viêm nhiễm tại móng cũng nằm trong phác đồ điều trị nấm móng hoặc là thành phần trong các thuốc kháng nấm thông thường.
Tuy nhiên, bởi vì móng có đặc điểm là những lớp sừng cứng rất khó thấm thuốc nên việc bôi thuốc bên ngoài vô cùng khó hấp thu để tiêu diệt được vi nấm.
Do đó, để đạt hiệu quả tốt nhất, bạn sẽ phải cạo lớp móng bị tổn thương, mủn gãy rửa sạch bằng nước rồi nước muối, lau khô rồi bôi thuốc hết toàn bộ móng. Đặc biệt, bạn nên bôi thuốc đều đặn hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ để điểu trị nấm móng tay.
Điều trị với thuốc uống kháng nấm
Vì vi nấm rất khó tiêu diệt nên ngoài việc bôi thuốc tại chỗ thì bác sĩ sẽ chỉ định bạn dùng thêm đường uống để tăng tác dụng điều trị bệnh. Theo đó, thuốc Itraconazole có đặc tính liên kết tốt với lớp sừng nên được coi là lựa chọn đầu tay cho bệnh nấm móng.
Đây là thuốc kháng nấm có ái lực tốt với protein trong móng và tiêu diệt tốt vi nấm có trong móng tay.
Điều trị bằng phẫu thuật móng
Đối với các tổn thương nghiêm trọng móng có thể phải chỉ định cắt bỏ móng. Móng tay là bộ phận có thể tái tạo nhiều lần trong cơ thể. Tuy rằng có thể mất thời gian rất lâu nhưng sự hồi phục có thể diễn ra.
Các biện pháp tiêu diệt vi nấm bằng tia laser, ánh sáng có năng lượng cao cũng là những cách đang được bác sĩ sử dụng để trị liệu cho bệnh nhân. Tuy nhiên, biện pháp này không phải cơ sở nào cũng có điều kiện thực hiện.
Phòng ngừa nhiễm nấm móng tay
Kể cả việc điều trị nấm móng cũng cần có liệu pháp để phòng ngừa tái phát bệnh. Vậy biện pháp nào giúp phòng tránh nấm móng tay?
- Thường xuyên đeo găng tay khi tiếp xúc với nước hay môi trường ẩm để tránh vi nấm có cơ hội xâm nhập gây bệnh.
- Hạn chế sử dụng các chất tẩy rửa làm giảm sức đề kháng của móng như xà bông, nước rửa chén. Bạn có thể chọn các sản phẩm chứa ít chất tẩy rửa hơn, an toàn, lành tính hơn như các sản phẩm hữu cơ, tự nhiên.
- Thường xuyên chăm sóc đôi tay cũng như móng tay của bạn bằng các sản phẩm dưỡng da tay, dưỡng móng.
- Hạn chế việc làm nail, làm móng vì sử dụng rất nhiều hóa chất có hại cho móng.
- Không tự ý sử dụng các thuốc kháng nấm bôi tại chỗ hoặc uống. Bởi vì các thuốc kháng nấm cũng như kháng sinh nếu dùng bừa bãi thì nguy cơ kháng thuốc rất cao. Bệnh nấm móng của bạn sẽ trở nên vô cùng khó điều trị sau này.
Móng tay với vai trò bảo vệ và tăng tính thẩm mỹ cho đôi bàn tay. Cũng giống như các bộ phận khác trong cơ thể nó rất cần được chăm sóc và bảo vệ. Bệnh lý nấm móng tay có thể xảy ra ở bất kì người nào nếu không biết quan tâm đến đôi bàn tay của mình. Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ về căn bệnh này và cách phòng ngừa, điều trị nó.
| Có thể bạn chưa biết?
- Thực phẩm biến đổi gen có thực sự đáng sợ?
- Tập yoga tại nhà và những nguyên tắc cần chú ý
- Suy nhược thần kinh nguy hiểm như thế nào?