Trong thời đại kỹ thuật số phát triển nhanh chóng, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng trở nên phổ biến. Trong đó Deepfake – một kỹ thuật tổng hợp hình ảnh, âm thanh hoặc video để tạo ra những nội dung giả đang thu hút được sự quan tâm mạnh mẽ của công chúng. Tuy Deepfake có rất nhiều điểm nổi trội khác biệt đem lại sức mạnh cho nó, nhưng cũng không thể phủ nhận rằng công nghệ này hiện nay đang trở thành công cụ tiếp tay cho những mục đích xấu.
Vậy Deepfake là gì mà lại khiến nhiều người lo lắng đến thế? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây để hiểu tường tận và chính xác về công nghệ AI mới nổi này nhé.
Nội dung tóm tắt
1. Giới thiệu về Deepfake
1.1. Deepfake là gì?
Deepfake là tổ hợp của hai từ “deep learning” và “fake”. Trong đó, “deep learning” là một phương pháp học máy cho phép máy tính học thông qua việc phân tích và suy luận từ các tập dữ liệu lớn, còn “fake” có nghĩa là giả mạo hoặc làm giả.
Hiểu một cách đơn giản, Deepfake là công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để mô phỏng và tạo ra những âm thanh, hình ảnh, video giả mạo một cách vô cùng chân thực, khó phân biệt so với thực tế.
Từ lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2017, Deepfake đã nhanh chóng trở thành đề tài nóng, nhận được sự quan tâm của giới công nghệ thông tin. Ban đầu, công nghệ này chỉ được sử dụng để tạo ra những video mang tính chất giải trí. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của AI đã tạo điều kiện cho những ứng dụng như Deepfake trở nên dễ dàng tiếp cận với con người. Từ đó, Deepfake cũng bị lợi dụng trở thành công cụ gây ra phiền phức, thậm chí là những mối đe dọa đến an ninh và đời sống của con người.
Hiện nay, rất nhiều phần mềm và ứng dụng Deepfake được xây dựng và phát triển, cho phép tất cả mọi người đều có thể tiếp cận và sử dụng một cách dễ dàng như: Reface, Zao, Wombo, Avatarify, MyHeritage, Jiggy,….
Xem thêm: Deepfake là gì? 7 phần mềm và website Deepfake miễn phí phổ biến nhất
1.2. Cách thức hoạt động của Deepfake
Công nghệ Deepfake giúp thay thế hoàn toàn hình ảnh khuôn mặt của một đối tượng nhất định thành hình ảnh khuôn mặt của một đối tượng khác giống y như thật. Để làm được điều này, người ta có thể sử dụng hai cách thức khác nhau:
Cách thức đầu tiên là qua bộ mã hóa (encoder) và bộ giải mã (decoder). Các dữ liệu được thu thập từ hai đối tượng A và B sẽ được mã hóa để AI có thể tìm và học toàn bộ điểm tương đồng từ hai đối tượng này, loại bỏ những điểm khác biệt và nén những hình ảnh đó lại. Sau đó, ảnh nén của A được đưa vào bộ giải mã của B. Bộ giải mã sẽ tái tạo lại khuôn mặt của B theo biểu cảm và hướng khuôn mặt của A. Những thao tác này được thực hiện chi tiết trên từng khung hình để cho ra sản phẩm “thật” nhất.
Một phương thức khác để tạo ra Deepfake là mạng GAN (Generative Adversarial Network – mạng sáng tạo đối nghịch). Phương thức này sử dụng hai thuật toán chính là trình tạo dữ liệu (Generator) để tạo ra các dữ liệu giống thật và trình phân biệt dữ liệu (Discriminator) để cố gắng phân biệt giữa dữ liệu được sinh ra từ trình tạo dữ liệu và dữ liệu thật. Hai quá trình này đối nghịch nhau, được thực hiện liên tục cho đến khi Generator tạo ra một mẫu hoàn hảo nhất mà Discriminator không thể phân biệt được.
Xem thêm: Deepfake là gì? Hoạt động như thế nào?
2. Lợi ích của Deepfake
Từ khi ra mắt đến nay, công nghệ Deepfake đã được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau, mang lại lợi ích đáng kể cho con người, giúp những việc tưởng chừng như khó khăn trở nên đơn giản hơn, đồng thời tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dùng.
2.1. Về giáo dục đào tạo
Trong lĩnh vực đào tạo dạy học, công nghệ Deepfake giúp làm sinh động hóa các bài giảng học thuật, xây dựng những video mô phỏng tình huống học tập phức tạp. Điều này làm giảm đi sự nhàm chán của những tiết học, giúp các sinh viên dễ dàng tiếp thu những khái niệm trừu tượng, khô khan.
Ngoài ra, Deepfake còn có thể tạo ra giảng viên giả ảo, có thể trả lời câu hỏi của học sinh và tham gia vào các cuộc trò chuyện giảng dạy. Từ đó, tăng cường sự tương tác giữa học sinh và giáo viên, đặc biệt trong những vùng xa xôi hoặc nơi khó khăn trong tiếp cận giáo dục.
2.2. Về truyền thông tiếp thị
Deepfake là một công cụ tiếp thị mạnh mẽ, với chức năng cắt ghép ảnh một cách tự động và chính xác, bằng việc tạo ra các hình ảnh hoặc video truyền thông, công nghệ này thực sự mang đến nhiều ích lợi cho ngành công nghiệp tiếp thị như: tiết kiệm chi phí, dễ dàng tiếp thị đa kênh, cá nhân hóa nội dung,…. Từ đó giúp các doanh nghiệp và tổ chức truyền tải thông điệp của mình một cách dễ dàng hơn và hiệu quả hơn đến khách hàng hoặc công chúng.
Ví dụ như một công ty về mảng thời trang có thể quảng bá bộ sưu tập mới ra bằng việc cho phép người mua sắm trực tuyến trên toàn cầu thử quần áo thông qua Deepfake mà không cần phí công di chuyển đến tận cửa hàng.
Hoặc việc doanh nghiệp có thể mua giấy phép sử dụng hình ảnh từ diễn viên nổi tiếng để tạo dựng video tuyên truyền với thời gian ngắn hơn và chi phí tiết kiệm hơn.
2.3. Về phim ảnh – giải trí
Deepfake được sử dụng để tạo nội dung giả tưởng trong ngành công nghiệp điện ảnh và giải trí. Công nghệ AI này cho phép nhà làm phim tạo ra những cảnh quay chân thực hơn hoặc giúp nâng cao chất lượng của các trò chơi điện tử hay những nội dung đa phương tiện khác. Nhờ vậy, trải nghiệm của người dùng được tối ưu hóa và tăng thêm phần thú vị.
Chắc hẳn các mọt phim không thể nào quên việc nhà sản xuất “Fast and Furious 7” đã phải sử dụng Deepfake lên chính người em của cố nam diễn viên Paul Walker để giúp cho nhân vật Brian O’Conner có thể hoàn thành một cái kết thật trọn vẹn đúng không nào?
Hay đơn giản hơn, trong cuộc sống thường ngày, Deepfake cũng được xem như một trò giải trí trên mạng xã hội, giúp người dùng dễ dàng hoán đổi khuôn mặt mình với các nhân vật nổi tiếng.
3. Mặt tối của Deepfake
Bên cạnh những lợi ích mà Deepfake mang lại, chúng ta không thể phủ nhận rằng với sự gia tăng độ phổ biến, công nghệ này dần bị những kẻ xấu lợi dụng, trở thành mối đe dọa ngầm cho toàn thế giới.
3.1. Truyền tải thông tin sai lệch
Kẻ xấu có thể lợi dụng Deepfake để thay đổi các cảnh quay lịch sử hay tạo ra những câu chuyện, tin tức giả mạo nhằm đánh lừa, gây hiểu lầm và truyền tải thông điệp giả mạo ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm trí người xem, thậm chí là gây ra bất ổn chính trị quốc gia. Ngày nay, độ chân thực trong công nghệ AI này được nâng cao khiến công chúng càng khó phân biệt giữa thông tin thực sự và hư cấu.
Mới đây, Clarissa Ward, phóng viên CNN đã trở thành nạn nhân của deepfake khi đưa tin gần biên giới Gaza – Israel. Video cảnh cô tránh tên lửa bị chèn âm thanh giả, dẫn đến một số hiểu nhầm về tình hình cuộc xung đột tại đây.
3.2. Phá hoại hình ảnh cá nhân
Những video giả mạo từ Deepfake có thể bôi nhọ danh tiếng, làm mất uy tín của một cá nhân hoặc tác động đến tình hình kinh doanh của một công ty, tổ chức. Không chỉ những nhân vật có tiếng tăm như chính trị gia, nhà lãnh đạo có nguy cơ cao bị tấn công bằng video giả mạo, mà ngay cả những người bình thường cũng có thể bị đối tượng xấu lợi dụng công nghệ này để bôi nhọ phẩm giá và danh dự.
Điển hình là vào cuối năm 2017, công nghệ AI này được biết đến rộng rãi khi một người dùng trên Reddit đã sử dụng công cụ để hoán đổi gương mặt của người nổi tiếng vào trong các bộ phim khiêu dâm. Trong đó, Scarlett Johansson và Gal Gadot đã trở thành những diễn viên “bất đắc dĩ” của các bộ phim này.
Xem thêm: Khủng khiếp: Deepfake có thể cởi sạch quần áo phụ nữ chỉ trong vài giây!
3.3. Lừa đảo
Không chỉ dừng lại ở đó, Deepfake còn có thể trở thành công cụ mà tội phạm sử dụng để lừa đảo công chúng, đặc biệt là về lĩnh vực tài chính. Ví dụ, kẻ gian có thể dùng nó để trục lợi từ những người điều hành tài khoản ngân hàng hoặc tạo ra các video giả mạo để lừa đảo nhà đầu tư.
Theo thống kê, trong năm 2023, số lượng cuộc gọi lừa đảo trực tuyến bằng Deepfake đã gia tăng một cách đáng kể. Các đối tượng sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để sao chép chân dung và tạo thành các đoạn video giả về người thân, bạn bè để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức nhờ vay tiền hoặc chuyển tiền.
4. Giải pháp tiềm năng
Chúng ta phải nhìn nhận một thực tế rằng video là giả, nhưng ảnh hưởng mà nó mang lại thì không giả chút nào. Vì vậy, việc tìm ra những giải pháp để ngăn chặn tác hại của công nghệ này là vô cùng quan trọng.
Trong vài năm gần đây, các chính phủ trên toàn thế giới đã bắt đầu quan tâm hơn đến vấn đề này và đang nỗ lực tìm cách khắc phục. Một số nước đã ban hành luật cấm sử dụng công nghệ Deepfake, trong khi các nhà nghiên cứu cũng đang tìm cách phát triển những công nghệ mới nhằm phát hiện các video giả mạo của nó như sử dụng phần mềm máy học, học máy và trí tuệ nhân tạo. Các phương pháp này sẽ giúp phân tích nội dung của video, so sánh với dữ liệu ban đầu và xác định tính xác thực của nó.
Ngoài ra, việc xây dựng một hệ thống phân phối thông tin tin cậy cũng rất cần thiết. Chính phủ và các tổ chức cần thường xuyên cập nhật và chia sẻ thông tin về các trường hợp sử dụng công nghệ Deepfake với mục đích bất chính, nhằm giúp người dùng có thể phát hiện được các video giả mạo và đưa ra các biện pháp ngăn chặn kịp thời. Đồng thời, những biện pháp pháp lý để trừng phạt người dùng Deepfake bất chính cũng cần được triển khai.
Song, chính nhận thức, tri thức lẫn sự cảnh giác đến từ chính người sử dụng mới là biện pháp hiệu quả và thiết thực nhất. Bởi vậy, việc tăng cường giáo dục về tính chính xác và xác thực của nội dung trực tuyến hoàn toàn là một thứ đáng được chú trọng.
Xem thêm: Cách nhận diện và phòng tránh thủ đoạn lừa đảo trực tuyến Deepfake
Kết luận
Bất kì công nghệ nào khi ra mắt thì cũng mang lại cả lợi ích lẫn bất lợi cho cộng đồng điều này hoàn toàn phụ thuộc vào mục đích của người sử dụng. Deepfake với mục tiêu phát triển ban đầu là một công nghệ AI tiên tiến và tiềm năng nhưng cũng dần trở thành vấn đề đáng lo ngại khi bị lợi dụng để bịa đặt, lừa đảo, trở thành vũ khí nguy hiểm trong tay kẻ xấu.
Tuy nhiên, với sự phát triển của các công nghệ phát hiện mới và việc tiếp tục tập trung vào các mặt giáo dục, đạo đức, chúng ta có thể hợp tác để giảm thiểu những rủi ro này và đảm bảo rằng Deepfake sẽ được sử dụng cũng như phát huy hoàn toàn tiềm năng to lớn của nó.
Tham khảo thêm các bài viết về Công nghệ tại đây:
ChatGPT và cuộc chạy đua công nghệ AI toàn cầu năm 2023: Tiến triển và tầm quan trọng.
Công Nghệ Trí Tuệ Nhân Tạo (AI) trong thời đại 5.0: Sức Mạnh và Ứng Dụng
Điện toán đám mây: Công nghệ đang thay đổi cuộc sống chúng ta trong thời đại 4.0
Trí tuệ nhân tạo: 4 sự thật bất ngờ đằng sau công nghệ thay đổi thế giới
TOP 5 sản phẩm công nghệ giúp cuộc sống dễ dàng hơn, sao Việt nào cũng thi nhau săn đón!
Sinh viên thực hiện: Bùi Minh Trang
Mã sinh viên: 21050093
Lớp học phần: INE3104_8
Bài viết đề cập đến thông tin thời sự đang nóng hổi mà mình cần tìm