Hàn the: Sử dụng sai cách – hiểm họa khôn lường!

Hàn the là gì?

Nói hàn the độc hại không sai, nhưng thực sự đã đủ? Dù được liệt kê là chất bị cấm sử dụng làm chất phụ gia trong chế biến thực phẩm. Tuy nhiên nó vẫn được ứng dụng trong đời sống để phục vụ các mục đích nhất định. Vậy thực sư hàn the là gì? Được dùng để làm gì? có nên sử dụng nó trong thực phẩm không? nếu sử dụng hàm lượng nhỏ hàng ngày có những tác hại như thế nào?… Tất cả những gì cần biết về hàn the sẽ được bật mí trọn vẹn trong bài viết, mời bạn theo dõi:

Nội dung tóm tắt

Hàn the là gì?

Hàn the hay còn được biết đến với tên gọi là Borax, là muối natri của acid boric, Có công thức hóa học là Na2B4O7.10H2O.

Cấu tạo của hàn the là một hợp chất kết tinh có màu trắng, mềm, có nhiều cạnh, rất dễ tan trong nước. Theo như y học cổ, hàn the còn được gọi là bổng sa, bàng sa, bổn xa, nguyệt thạch. Đây là chất có vị ngọt, tính mát mặn, giúp chữa sốt, tiêu viêm, giải độc. Có một thời gian hàn the còn được dùng để bào chế bột trị đau dạ dày và thuốc ho.

Hàn the được biết tới là một chất có tính sát khuẩn nhẹ, được dùng trong ngành y tế với công dụng làm săn, dùng ngoài để diệt khuẩn và nấm nhẹ. Đồng thời, nó cũng được sử dụng để bảo quản và chế biến thực phẩm giúp các sản phẩm thịt cá, bún, giò, chả…. nhằm tạo độ dai, giòn, trắng cho thực phẩm, giúp thực phẩm trở nên cứng và bảo quản được lâu hơn.

Câu hỏi đặt ra là hàn the có thực sự tốt? Bột này có được sử dụng trong thực phẩm không? cùng tìm lời lý giải ngay dưới đây nhé!

Borax là gì
Borax là gì

Bột hàn the dùng để làm gì?

Nhờ khả năng khử mùi, diệt khuẩn mà bột hàn the được sử dụng khá nhiều trong công nghiệp, y học và gia đình….

Trong công nghiệp

  • Borax được sử dụng để sản xuất thủy tinh, men sứ các loại và làm cứng đồ gốm sứ.
  • Một lượng lớn borax được sử dụng trong quá trình sản xuất sợi thủy tinh
  • Hỗn hợp của borat và amoni clorua (NH4Cl) được sử dụng làm chất trợ chảy. Bởi hỗn hợp này có thể làm hạ thấp điểm nóng chảy của các oxit sắt. Bởi lẽ đó mà hàn the cũng có thể được trộn với nước để làm chất trợ chảy khi hàn các kim loại quý như vàng hay bạc.
  • Được sử dụng làm sạch bề mặt kim loại nóng bằng việc hòa tan oxide kim loại.
  • Sử dụng để sản xuất peborat natri monohidrat – nguyên liệu để sản xuất bột giặt.
  • Sử dụng trong sản xuất các loại chất tẩy rửa, các chất làm mềm nước, các chất khử trùng và thuốc trừ sâu, diệt mối, sử dụng trong ngành sản xuất giấy,… cùng nhiều các ứng dụng khác trong công nghiệp.

Trong y học

Trước đây hàn the có trong công thức các thuốc điều trị loét áp-xe, nước súc miệng, trị viêm miệng, viêm nhiễm mắt mũi,… Thế nhưng hiện ít được dùng vì có thuốc khác tốt hơn và ít tác dụng phụ.

Trong gia đình

Bột hàn the là một trong những món đồ được nhiều bà nội trợ bỏ túi sử dụng như:

  • Diệt gián, kiến, rệp bằng hàn the: Trộn hàn the với đường rồi đổ ra giấy, sau đó để tờ giấy này vào những nơi kín như két, hốc tủ nhà. Những loài côn trùng ăn phải hàn the sẽ bị ngộ độc và chết ngay.
Hàn the diệt kiến, gián
Hàn the diệt kiến, gián
  • Đánh bóng xoong, chảo: Những vết dầu mỡ cứng đầu sẽ dễ dàng đánh bay. Bằng cách rắc hàn the lên trên bề mặt và ngâm vài phút, sau đó chùi lại với nước rửa chén.
  • Tiêu diệt nấm mốc trong nhà: Những chỗ nấm mốc bám trong nhà sẽ được lau sạch. Bằng cách đem pha hàn the cùng một ít nước rồi dùng hỗn hợp này thoa lên chỗ nấm mốc để qua đêm. Sáng hôm sau lau sạch lại chỗ nấm mốc bám.
  • Tẩy sạch toilet: Rắc bột hàn the vào bồn cầu để qua đêm rồi dùng cọ rửa bồn cầu cọ lại. Bồn cầu sẽ được tẩy sạch sẽ.

Nó có được sử dụng trong thực phẩm?

Vì là một chất hóa học có tính ứng dụng cao nên tại Việt Nam hàn the không bị cấm buôn bán. Tuy nhiên trong việc sản xuất – chế biến thực phẩm, Bộ Y tế liệt kê hàn the là chất bị cấm sử dụng làm chất phụ gia. Bởi những độc tính của nó đối với sức khỏe con người.

Thế nhưng, nhiều cá nhân và đơn vị sản xuất, chế biến thực phẩm vẫn né luật để sử dụng hàn the. Bởi hoạt chất này có khả năng chống nấm mốc, giúp kéo dài thời gian bảo quản và sử dụng. Giúp thực phẩm tươi lâu, màu sắc bắt mắt, giúp tinh bột, thịt cá tăng độ dẻo dai hơn.

Bún là thực phẩm bị chứa nhiều hàn the
Bún là thực phẩm bị chứa nhiều hàn the

Các loại thực phẩm phổ biến hay sử dụng hàn the phải kể đến như:

  • Các loại bún, phở, hủ tiếu, bánh cuốn, bánh tẻ, bách đúc,… được cho thê hàn the để dai, cứng, lâu thiu hơn.
  • Giò lụa, chả quế được cho thêm hàn the nhằm tăng thêm độ giòn, chống được mốc và lâu thiu.
  • Các loại thực phẩm tươi như thịt cá đông lạnh để lâu ngày đã bị biến dạng. Tuy nhiên, nếu có thêm hàn the, chúng sẽ cứng và có vẻ tươi trở lại.

Ăn hàn the có độc không?

Khi chúng ta ăn Borax, cơ thể chỉ có thể đào thải ra ngoài khoảng 70-80%. Số còn lại vẫn tích tụ trong các cơ quan nội tạng, nhiều nhất là ở gan và não, rồi đến tim, phổi, dạ dày, thận, ruột… Sau khi túc tụ đến một hàm lượng nhất định, nó sẽ gây ngộ độc cấp và mạn tính.

Chính vì thế, Cục An toàn thực phẩm Việt Nam đã cảnh báo khi sử dụng 5g chất này có thể gây ngộ độc hàn the cấp tính. Sử dụng với liều lượng thấp trong thời gian dài gây ngộ độc mạn tính, ảnh hưởng tới tiêu hóa, hấp thụ, chuyển hóa chất dinh dưỡng, gây tổn thương gan, thận, não.

Thậm chí, nếu hấp thụ một lượng hàn the quá lớn (từ 5g trở lên) có thể gây ngộ độc cấp tính dẫn đến hôn mê và có thể tử vong. Tuy nhiên trường hợp ngộ độc cấp như vậy ít xảy ra; mà các ca nhiễm độc gây ra thường là do cơ thể đã tích lũy qua nhiều lần ăn thực phẩm chứa chất này.

Ngoài ra, phụ nữ mang thai sử dụng thực phẩm có hàn the có thể gây độc hại cho thai nhi. Trẻ em sử dụng thực phẩm có hàn the sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển.

 

 

Ngộ độc cấp tính do Borax
Ngộ độc cấp tính do Borax

Những thực phẩm chúng ta ăn hàng ngàn nếu có Borax thì lượng độc tố cũng không đủ cao để khiến chúng ta bị ngộ độc cấp tính ngay, mà nó sẽ tích tụ dần dần, khó phát hiện.

Nếu không sớm phát hiện và sử dụng trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, cụ thể xuất hiện các triệu chứng như:

  • Với tiêu hóa, nó gây nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy cấp
  • Với da thì gây hiện tượng ban đỏ dẫn đến tróc vẩy.
  • Về thần kinh, hàn the gây kích thích dẫn đến trầm cảm, hoặc kích thích màng não, thay đổi nhiệt độ cơ thể.
  • Với đường niệu, nó gây hư hại, đặc biệt cho thận và toàn thận, gây rối loạn chức năng, yếu ớt, bất lực, rối loạn kinh nguyệt, rụng tóc.

Các chuyên gia đưa ra lời khuyên mọi người chỉ nên sử dụng những loại thực phẩm chế biến sẵn có màu sắc tự nhiên, có bao bì, nhãn hiệu và xuất xứ rõ ràng. Với những thực phẩm thông qua giết mổ như thịt lợn, thịt bò, thịt gà,.. chỉ nên mua loại đã qua kiểm duyệt.

Với các loại hải sản nên chọn mua loại tươi sống, không có mùi lạ. Tuyệt đối không nên mua những thực phẩm có màu sắc lòe loẹt, vị ăn quá giòn dai.

Cách phát hiện thực phẩm chứa hàn the

Hàn the có tính kiềm nên khi tác dụng với tăm bông chứa bột nghệ thì sẽ làm tăm bông chuyển từ màu vàng sang màu đỏ.

Cách làm tăm bông như sau:

  • Đầu tiên là gọt hết vỏ nghệ, rửa sạch, giã nát cả củ, hòa loãng với nước sau đó để lắng lọc bỏ bã, cho ra sản phẩm cuối cùng là tinh bột nghệ. Đơn giản hơn bạn có thể mua các sản phẩm tinh bột nghệ có sẵn trên thị trường.
  • Sau đó, hòa tinh bột nghệ vào dung dịch cồn 90 độ quấy đều cho tinh bột này tan hết rồi nhúng đầu tăm bông vào để khô.
Cách phát hiện thực phẩm có chứa Borax bằng nghệ
Cách phát hiện thực phẩm có chứa Borax bằng nghệ

Cách tiến hành kiểm tra:

Ví dụ với giò chả, để kiểm tra loại thực phẩm này có chứa hàn the hay không, bạn lấy que thử ốp phần đầu bông vào bề mặt thực phẩm, và giữ trong 30 giây.

  • Nếu đầu que thử chuyển từ màu vàng sang màu nâu hoặc màu nâu đỏ là thực phẩm đó có chứa hàn the. Đặc biệt, nếu tỷ lệ càng cao thì màu vàng của que thử chuyển sang màu nâu càng đậm.
  • Hoặc nếu que thử không đổi màu là thực phẩm ngon, chuẩn. Hoàn toàn không có, bạn có thể yên tâm sử dụng.

Hy vọng thông qua bài viết giúp bạn hiểu tường tận hơn về hoạt chất hàn the, từ đó biết cách sử dụng chúng trong đời sống một cách thông minh, cần tránh xa các thực phẩm có chứa chất này cũng như biết cách nâng cao cảnh giác phát hiện các thực phẩm có chứa hàn the, sống khỏe, sống lành mạnh mỗi ngày!

| Có thể bạn chưa biết?