TOP 8 LỄ HỘI VĂN HÓA ĐẶC SẮC NHẤT QUẢNG NINH MÀ DU KHÁCH KHÔNG NÊN BỎ LỠ

Ngoài kỳ quan nổi tiếng thế giới là vịnh Hạ Long, vùng đất mỏ còn được biết đến với nền văn hóa đặc sắc và nhiều lễ hội hấp dẫn được tổ chức hằng năm, góp phần mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị. 

Ngoài kỳ quan nổi tiếng thế giới là vịnh Hạ Long, vùng đất mỏ còn được biết đến với nền văn hóa đặc sắc và nhiều lễ hội hấp dẫn được tổ chức hằng năm, góp phần mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị. 

Nội dung tóm tắt

Quảng Ninh: Vùng đất lễ hội với bề dày văn hóa lịch sử lâu đời

Lễ hội tại Quảng Ninh nhận được nhiều sự quan tâm của du khách bởi những nét đẹp văn hóa cùng nhiều ý nghĩa và hoạt động thú vị. Mỗi lễ hội sẽ mang đến cho người tham gia những trải nghiệm riêng, vô cùng ấn tượng và sâu sắc. Sau đây là top 8 lễ hội nổi tiếng nhất định bạn hãy tham gia khi du lịch Quảng Ninh nhé!

1. Lễ hội Yên Tử

  • Địa điểm tổ chức: Vùng núi Yên Tử, Xã Thượng Yên Công, TX. Uông Bí, Tỉnh Quảng Ninh
  • Thời gian diễn ra lễ hội: từ 10/1 – hết tháng 3 âm lịch hàng năm
Lễ hội Yên Tử
Lễ hội Yên Tử được diễn ra trong suốt 3 tháng mùa xuân, nó bắt đầu từ ngày 10 tháng Giêng âm lịch cho đến hết tháng ba.

Nếu đã muốn đi du lịch Yên Tử, chắc chắn du khách không thể bỏ qua dịp lễ hội đầu xuân tại đây. Lễ hội xuân Yên Tử là một trong những lễ hội ở Quảng Ninh có quy mô lớn nhất, thu hút đông đảo du khách ghé thăm.

Lễ hội bắt đầu bằng các nghi lễ được tổ chức long trọng ở chân núi Yên Tử. Sau đó là cuộc hành hương lên ngôi chùa nằm chót vót trên đỉnh núi – chùa Đồng. Tham gia lễ hội, bạn sẽ có vô vàn trải nghiệm thú vị trên hành trình tìm về đất Phật:

  • Tham quan chùa Đồng nằm ở độ cao 1068m so với mặt nước biển, tạo cho du khách cảm giác như đang đi trên mây
  • Chiêm ngưỡng ngọn tháp bằng đá cao 3 tầng được xây dựng từ năm 1758;
  • Ghé suối Giải Oan nghe câu chuyện về lòng trung thành của hàng trăm cung nữ;
  • Vãn cảnh Tháp Tổ, chùa Hoa Yên, chùa Bảo Sái, chùa Một Mái,…

Để có một hành trình du xuân lễ hội hoa Yên Tử trọn vẹn, bạn nên chú ý một số điều sau:

  • Chọn trang phục kín đáo và nhã nhặn vì Yên Tử vốn là đất Phật linh thiêng. Bạn cũng không nên chọn trang phục bó sát hoặc đồ jeans vì sẽ khó di chuyển;
  • Du khách cần leo tới hơn 6km bậc thang đá dốc đứng nên cần ưu tiên đi giày thể thao để di chuyển dễ dàng hơn;
  • Chuẩn bị sẵn nước uống và gậy chống để đủ sức vượt qua hành trình lên tới chùa Đồng;
  • Mang theo máy ảnh và điện thoại để ghi lại những khoảnh khắc thật đẹp trên đỉnh núi;
  • Nếu ngại vấn đề sức khỏe không thể leo thang bộ, bạn có thể lựa chọn đi cáp treo để chiêm ngưỡng danh thắng Yên Tử từ trên cao.

 

2. Lễ hội Carnaval Hạ Long

  • Địa điểm tổ chức: trung tâm thành phố Hạ Long, khu vực bãi biển từ Hòn Gai đến Bãi Cháy
  • Thời gian diễn ra lễ hội: từ 25/4 – 1/5 hàng năm (dịp lễ 30/4 – 1/5)
Lễ hội Carnaval
Lễ hội Carnaval mang ý nghĩa khởi động “mùa” du lịch hè, góp phần quảng bá thương hiệu du lịch của thành phố Hạ Long và tỉnh Quảng Ninh.

 

Với không gian tổ chức rộng lớn và nhiều hoạt động hấp dẫn, lễ hội Carnaval Hạ Long là dịp được nhiều du khách mong chờ. Lễ hội Carnaval mang ý nghĩa khởi động “mùa” du lịch hè, góp phần quảng bá thương hiệu du lịch của thành phố Hạ Long và tỉnh Quảng Ninh.

Nếu có cơ hội tham gia lễ hội này, vậy đừng bỏ lỡ chương trình ca nhạc đêm hội Carnaval Hạ Long thường được tổ chức tại Trung tâm hội nghị quốc tế. Với sân khấu hoành tráng cùng trang thiết bị đầy đủ, trung tâm có sức chứa lên tới 1.500 người. Đến với chương trình bạn sẽ được thưởng thức những tiết mục nghệ thuật chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, bạn còn có cơ hội giao lưu cùng nhiều ca sĩ, diễn viên tên tuổi trong làng giải trí. 

Hoạt động được nhiều du khách mong chờ nhất lễ hội Carnaval Hạ Long phải kể đến màn bắn pháo hoa rực rỡ. Dù thời gian chỉ kéo dài trong 15 phút và pháo hoa bắn tầm thấp nhưng đây vẫn là trải nghiệm được nhiều du khách thích nhất trong lễ hội.

Để đảm bảo an toàn cho mình và tiết kiệm tối đa chi phí, khi có dự định tham gia lễ hội bạn cần chú ý đến các tiêu chí sau đây:

  • Khi tham gia lễ hội Carnaval bạn cần chú ý đặt phòng khách sạn Hạ Long trước ít nhất 15 ngày. Bởi, mùa lễ hội Hạ Long thu hút hàng nghìn du khách thập phương tham dự, nếu bạn không đặt phòng trước sẽ rất khó tìm được nơi ở như ý muốn trong thời gian tổ chức lễ hội.
  • Nên đi sớm để có được vị trí thuận lợi: Do đây là một trong những lễ hội lớn và thu hút nhiều du khách hàng năm. Vì vậy, một lưu ý nhỏ cho bạn đó là nên đi sớm hơn so với thời gian tổ chức các hoạt động trong lễ hội để có vị trí xem tốt, cũng như những trải nghiệm trọn vẹn nhất. 
  • Nên hỏi giá trước khi mua đồ: Lưu ý cuối cùng cho bạn đó là hãy hỏi giá trước khi mua đồ để tránh được những hiện tượng gian lận, nâng giá,… Do đó, bạn cần chú ý hạn chế tối đa tình trạng mất tiền oan.

3. Lễ hội chùa Long Tiên

  • Địa điểm tổ chức: Chùa Long Tiên, dưới chân núi Bài Thơ, đường Lê Quý Đôn, P. Bạch Đằng, TP. Hạ Long, T. Quảng Ninh
  • Thời gian diễn ra lễ hội: 24/03 âm lịch hằng năm
Lễ hội chùa Long Tiên
Các hoạt động tại chùa Long Tiên sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm mới lạ và đáng nhớ.

Người xưa có câu “long tắc linh, danh tắc tiên” có ý nghĩa là: thế đất hình rồng chắc chắn là đất linh thiêng, nơi có cảnh đẹp ắt hẳn là nơi để tiên ở. Vì thế nên tên gọi chùa Long Tiên chắc hẳn ẩn chứa bên trong hàm ý chỉ nơi có phong thủy long mạch, nơi rồng tiên hội tụ. Chùa Long Tiên đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là một trong những Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia. 

Lễ hội chùa Long Tiên là một trong những lễ hội Hạ Long, Quảng Ninh được nhiều người biết đến. Đến với lễ hội, du khách sẽ được cùng tham gia lễ rước kiệu, dâng hương lễ Phật cầu may mắn và hòa vào các trò chơi dân gian thú vị. Các hoạt động của lễ hội sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm mới lạ và đáng nhớ.

Lễ hội sẽ bắt đầu bằng đoàn rước kiệu qua đền Ðức Ông (là đền thờ Ðức Ông Trần Quốc Nghiễn – con trai cả Trần Hưng Ðạo), sau đó đến đền thờ An Dương Vương ở Vụng Ðáng, rồi qua Loong Toòng và quay lại chùa. Không khí lễ hội rất tưng bừng, nhộn nhịp, khói hương nghi ngút. Lúc này không gian chùa cũng được trang trí với rất nhiều đèn lồng, câu đối, ban thờ nào cũng được sắp đầy đủ rất nhiều lễ vật.

Khi du khách đến với lễ hội tại chùa Long Tiên, điều đầu tiên cần lưu ý là hãy thể hiện sự thành kính, tôn trọng, đi nhẹ nói khẽ. Điều tối kị khi vào chùa chính là đùa cợt giỡn hớt, ảnh hưởng đến không khí cúng bái và những người khác. Thứ hai hãy lưu ý trang phục thật lịch sự, kín đáo, màu sắc nhã nhặn. Nếu trên đường đi chơi các địa điểm danh thắng ở Hạ Long mà bạn quyết định ghé vào chùa, thì cũng nên dùng áo khoác hoặc khăn để che chắn khi mặc những trang phục quá ngắn.

 

4. Lễ hội chùa Ba Vàng

  • Địa điểm tổ chức: chùa Ba Vàng, núi Thành Đẳng, TP. Uông Bí, T. Quảng Ninh
  • Thời gian diễn ra tham khảo: tháng 1 âm lịch hằng năm
Lễ hội chùa Ba Vàng
Du lịch chùa Ba Vàng dịp đầu xuân, du khách đừng bỏ lỡ hành trình trẩy hội, cầu bình an tại chùa Ba Vàng.

Ngày nay, chùa Vàng nổi tiếng với hai kỷ lục đặc sắc: Ngôi chùa trên núi có tòa chính diện lớn nhất Đông Dương, và là ngôi chùa sở hữu chiếc trống độc mộc được làm bằng gỗ đỏ nguyên khối có kích thước lớn. Tại đây còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị lớn về lịch sử cũng như văn hóa nghệ thuật được tìm thấy từ thế kỷ XIII, XIV. Phía sau chùa còn là nơi thờ cúng các vị tổ sư, cũng là nơi cất giữ 10 pho đại sách lưu danh hơn 10 vạn anh hùng liệt sĩ đã khuất, hi sinh cho Tổ Quốc.

Du lịch chùa Ba Vàng dịp đầu xuân, du khách đừng bỏ lỡ hành trình trẩy hội, cầu bình an tại chùa Ba Vàng. Lễ hội Hạ Long, Quảng Ninh này bao gồm các nghi thức trang nghiêm như: thỉnh chuông, gióng trống, dâng hương, thả bóng bay cầu quốc thái dân an và lan tỏa những giá trị tinh thần tốt đẹp.  

 

5. Lễ hội đình Trà Cổ

  • Địa điểm tổ chức: đình Trà Cổ, khu Nam Thọ, P. Trà Cổ, TP. Móng Cái, T. Quảng Ninh
  • Thời gian diễn ra lễ hội: Từ 30/5 – 6/6 âm lịch hằng năm
Lễ hội đình Trà Cổ
Du khách tham gia lễ hội còn có dịp tham quan di tích đình Trà Cổ, dâng hương cầu phúc và vui chơi, tắm biển Trà Cổ.

Nét độc đáo của lễ hội là hội thi “Ông Voi”, nghi lễ chính này được duy trì thường niên, trở thành nét riêng có của vùng đất biên ải Móng Cái. Theo tục lệ, trước khi vào lễ hội, làng Trà Cổ lại họp làng để chọn ra 12 người, gọi là “cai đám”, để chuẩn bị cho lễ hội năm sau.

“Cai đám” phải là người, khoẻ mạnh, biết làm ăn, có đạo đức và lối sống lành mạnh, gia đình con cái thuận hoà, không vướng việc tang. Từ đầu năm, mỗi cai đám sẽ nuôi một chú lợn. Sau khi mua về nhà, chú lợn này được gọi là “Ông Voi”, được coi là linh vật của thần. “Ông Voi” được chăm sóc chu đáo, ăn ngon, ngủ màn để tránh muỗi, được thăm khám đầy đủ và chăm sóc, nâng niu, trân trọng.

Chiều ngày 30-5 âm lịch, sau lễ tế gia tiên, 12 cai đám sẽ dùng cũi sơn đỏ có mái che mưa nắng rước “Ông Voi” đã được tắm rửa sạch sẽ ra xếp thành hai hàng trước sân đình để chầu thần. Sau lễ tế cáo yết thần, Ban tổ chức lễ hội sẽ dùng thước đo từ đầu đến đuôi, đo vòng cổ, cân nặng từng “ông”. “Ông” nào thân dài, vòng cổ to, đẹp và nặng nhất sẽ giành giải nhất; đồng thời được giữ lại để mổ tế thần. Trong mâm lễ, ngoài thủ lợn, không thể thiếu túm lông đuôi của “Ông Voi” này.

Lễ trao thưởng cho cai đám có “Ông Voi” giải nhất sẽ được tổ chức vào sáng ngày chính hội (1/6). Trong suốt những ngày hội đình, các cai đám sẽ phải túc trực ở đình, cùng Ban tổ chức lo việc cúng lễ, đèn nhang cho đến khi xong hội. Họ được dân làng kính trọng gọi là “ông đám”. Tục thi Ông Voi mang nét độc đáo riêng có, thể hiện sâu sắc ước nguyện về cuộc sống no ấm, đủ đầy của người dân Trà Cổ; đồng thời khẳng định một nét đẹp văn hóa tín ngưỡng và tính truyền đời của một nghi lễ nơi địa đầu Tổ Quốc.

Ngày 20/12/2019, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã ký quyết định chứng nhận Lễ hội truyền thống Đình Trà Cổ là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây là niềm tự hào của toàn thể nhân dân Móng Cái, càng khẳng định sâu sắc giá trị cột mốc chủ quyền, cột mốc văn hóa nơi biên ải.

 

6. Lễ hội đền Cửa Ông

  • Địa điểm tổ chức: đền Cửa Ông, P. Cửa Ông, TP. Cẩm Phả
  • Thời gian diễn ra lễ hội: mùng hai tháng Giêng – hết tháng 3, ngày chính hội: 2/3 âm lịch
Lễ hội Đền Cửa Ông
Lễ hội đền Cửa Ông được tổ chức để tưởng niệm và bày tỏ lòng biết ơn đối với tướng Trần Quốc Tảng – người đã có công dẹp giặc, mang lại bình yên cho dân làng.

Lễ hội được tổ chức tại đền Cửa Ông hàng năm có giá trị lớn trong việc bảo tồn, phát huy những nét văn hóa, bản sắc lâu đời của dân tộc, giáo dục và gắn kết cộng đồng. Đến nay lễ hội này đã trở thành một phần trong đời sống tâm linh và sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân Quảng Ninh, cũng là điểm thu hút khách du lịch.

Đền Cửa Ông không chỉ có ý nghĩa về giá trị lịch sử, mà còn mang giá trị về nghệ thuật, văn hoá dân tộc. Đền được xây dựng trên các ngọn đồi với khung cảnh hài hòa, xanh mướt những bóng cây cổ thụ, vừa mang không khí tĩnh mịch, hùng tráng, vừa hoa mỹ nhưng vẫn rất trang nghiêm. Toàn bộ kiến trúc đền Cửa Ông được xây bằng những loại vật liệu quý giá nhất lúc bấy giờ: đá đúc, gạch Bát Tràng, vữa hồ pha mật, gạch lát nền là loại đất sét nung già, ngói mũi đất nung.

Kiến trúc bên trong đền phỏng theo lối trang trí điển tích: Long, Ly, Quy, Phụng. Phần khung đền cũng là những loại gỗ quý hiếm, chắc chắn: đinh, lim, trắc, gụ. Ngoài ra còn trang trí rất nhiều bức phù điêu, bức trướng, các câu đối bằng chữ Hán, những hoa văn sơn son thếp vàng vô cùng lộng lẫy, bắt mắt.

Phần lễ bắt đầu với lễ dâng hương tại đền thượng, sau đó đoàn rước sẽ đưa Đức Ông vi hành. Đoàn rước tượng bao gồm những người đại biểu, hương tử, Phật tử để rước tượng Đức Ông xuất phát từ sân chính tại đền Hạ sau đó ra miếu thờ đặt ở xã Trác Chân, tên tục thường gọi là Vườn Nhãn. Rồi tượng Đức Ông tiếp tục được rước đi dọc đường Nghinh Thần, sau đó quay về sân đền – nơi đang tổ chức lễ hội, tượng trưng việc kết thúc cuộc du tuần của Đức Ông.

Phần lễ này 2 năm sẽ được thực hiện một lần, vào ngày 3 tháng 2 âm lịch. Còn trong suốt thời gian lễ hội gần 3 tháng, du khách có thể đến sân đền thắp nhang cho Đức Ông, vãn cảnh quanh khuôn viên đền và tham gia các trò chơi dân gian.

Phần Hội được tổ chức ở khu vực đền Thượng và đền Hạ trong khuôn viên đền Cửa Ông, với các trò chơi dân gian như: tổ tôm điếm, kéo co, nấu cơm, têm trầu, soạn lễ, chọi gà, bịt mắt đập niêu… Các trò chơi này được rất nhiều người dân địa phương và khách du lịch tham gia, gửi gắm ước nguyện có một năm mới với thật nhiều sức khỏe.

Sau khi các nghi lễ được hoàn thành sẽ là chương trình nghệ thuật được biểu diễn bởi những diễn viên, nghệ sĩ, trong đó có rất nhiều người con của quê hương đất mỏ đã thành danh. Cuối cùng sẽ là màn trình diễn pháo hoa với thời lượng kéo dài trong 15 phút, tạo nên không khí phấn khởi, tưng bừng cho tất cả người dân và du khách thập phương đã về đây dự lễ.

 

7. Lễ hội Bạch Đằng

  • Địa điểm tổ chức: X. Yên Giang, H. Yên Hưng, T. Quảng Ninh
  • Thời gian diễn ra lễ hội: mùng 8/3 âm lịch hằng năm
Lễ hội Bạch Đằng
Lễ hội Bạch Đằng còn có tên gọi khác là Giỗ trận được tổ chức hằng năm với ý nghĩa tưởng nhớ chiến thắng chống giặc ngoại xâm của các vị anh hùng dân tộc.

Lễ hội Bạch Đằng hay còn được gọi là lễ hội Giỗ Trận, là một hoạt động văn hóa truyền thống hằng năm được tổ chức để tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn của người dân Quảng Yên với những anh hùng dân tộc. Nơi đây là dấu son chói lói trong hơn 4000 năm lịch sử dân tộc, là nơi ghi dấu ấn của những người anh hùng đã ngã xuống để giữ yên bờ cõi nước Nam. Vì vậy dù đã trải qua hàng chục thế kỷ, người dân Quảng Yên hàng năm vẫn tổ chức lễ hội thay cho sự biết ơn gửi đến các thế hệ cha ông.

Mọi hoạt động của lễ hội Bạch Đằng đều gắn liền với Bạch Đằng giang – con sông huyền thoại đã ghi nhận những chiến thắng vang đội của dân tộc ta. Theo các thư tịch cổ để lại, sông Bạch Đằng có vị trí cửa ngõ của miền Bắc, được bao quanh bởi hệ thống núi non hiểm trở và rất nhiều hang động cùng rừng rậm, vì vậy địa thế đặc biệt này vô cùng thuận lợi cho để quân ta bố trí phòng thủ. Đó cũng là lý do sông Bạch Đằng đã đi vào lịch sử với 3 chiến thắng vĩ đại trong chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Lễ giỗ Mẫu – cầu siêu cho các vong linh quân sĩ đã tử trận trong các cuộc chiến được diễn ra tại miếu Vua Bà. Cùng với đó là lễ rước tượng giữa từ đền Trần Hưng Đạo đến đình Yên Giang và ngược lại. Vào ngày mùng 7 Âm lịch, tượng Đức thánh Trần sẽ được đặt lên ngai cùng sắc phong với tượng Đệ nhất, Đệ nhị Vương cô (là hai người con gái của ông) để rước từ đền về đình tổ chức tế lễ. Đến ngày mùng 8 thì tượng sẽ được rước trở lại về đền để thờ phụng. 

Điều khá thú vị là người dân Quảng Yên có tục lệ lâu đời là để trẻ em chui qua kiệu rước thành hoàng, với ước muốn được phù hộ mạnh khỏe, học hành giỏi giang và đỗ đạt cao. Đoàn rước đi đến đâu thì người dân sẽ tụ tập và nhập hội đến đó, nhà nhà đều ra để thắp hương, thành kính vái vọng Đức ông. 

Ngoài các hoạt động cúng bái, lễ hội Bạch Đằng còn tập trung tái hiện những trận chiến lịch sử thông qua các trò diễn dân gian, đây là cơ hội để du khách cùng tham gia và đắm mình trong không khí lễ hội tưng bừng. Các trò chơi được yêu thích như bơi thuyền chải, vật truyền thống, kéo co, cờ người, đánh đu, chọi gà… Giữa dòng sông Bạch Đằng êm ả, những người dân tay thoăn thoắt mái chèo, tiếng hò reo vang vọng cả một góc trời như không khí sử thi hào hùng của những chiến thắng năm xưa.

 

8. Lễ hội Tiên Công

  • Địa điểm tổ chức: đảo Hà Nam, TX. Quảng Yên, T. Quảng Ninh
  • Thời gian diễn ra tham khảo: ngày 7/1 âm lịch 
Lễ hội Tiên Công
Lễ hội Tiên Công là lễ hội văn hóa cấp quốc gia được tổ chức hằng năm nhằm tưởng nhớ công ơn của 17 vị Tiên Công đã tạo dựng nên vùng đảo.

Lễ hội Tiên Công hay còn có tên gọi khác là lễ “rước người”, là một lễ hội độc đáo và được người dân duy trì tổ chức với quy mô khá lớn trên địa bàn thị xã Quảng Yên. Lễ hội được diễn ra từ ngày mùng 5 đến mùng 7 tháng giêng  Âm lịch, để tưởng nhớ các vị Tiên Công đã có công khám phá, khai khẩn và lập nên hòn đảo Hà Nam trù phú, thuộc thị xã Quảng Yên ngày nay.

Mở đầu lễ hội Tiên Công sẽ là lễ “Ra cỗ họ” hay còn có tên gọi khác là “Lễ tế Tổ”, vào ngày này, các gia đình có cụ ông cụ bà đến tuổi thượng thọ sẽ chuẩn bị lễ vật để dâng lên kính cáo với Tiên công và tổ tiên đã ban phúc lành để người già lên được chiếu thọ. Đồng thời, lễ này cũng để kính báo cho hội đồng gia tộc năm nay cụ nào được thượng thọ và mời bà con trong họ đến dự lễ mừng thọ.

Đến ngày mùng 5 tháng giêng, con cháu trong gia đình có người thân lên thượng thọ chuẩn bị để trang trí khuôn viên gia đình mình theo truyền thống mừng thọ. Quan trọng nhất là chuẩn bị trang phục cho các cụ ông cụ bà, gồm áo gấm, khăn thêu chữ thọ, gậy chống cho cha mẹ, chuẩn bị thêm cả bàn ghế, cỗ bàn để đãi khách như một ngày hội đoàn tụ của dòng họ.

Đến ngày mùng 6 tháng giêng, các hộ gia đình không tổ chức đoàn rước cụ thượng về miếu Tiên Công lễ tổ thì sẽ thực hiện đội lễ đưa cụ thượng lên miếu lễ tổ. Những gia đình có điều kiện hơn thì sẽ cùng cả dòng họ và làng xóm thực hiện đoàn rước long trọng bằng võng đào về miếu Tiên Công để lễ tổ, gọi là nghi lễ “Rước thọ” và “Rước người”.

Lễ hội Tiên Công nhộn nhịp và đông vui nhất là vào ngày chính hội, chính là ngày mùng 7 với nghi lễ “Rước người” độc đáo chỉ có tại Quảng Ninh. Nghi lễ thể hiện sự trọng vọng, tôn vinh các Tiên Công, mang theo văn hóa thờ phụng những người già nhiều phúc đức nên được trời đất phù hộ sống thọ và khỏe mạnh.

Ngoài những nghi lễ độc đáo, phần hội cũng có rất nhiều những hoạt động văn hóa, vui chơi với các trò chơi dân gian như chơi đu, chọi gà, cờ người, tổ tôm điếm, hát đúm, đấu vật, đắp đê… Trong đó, hai trò chơi cũng là nghi thức mở đầu lễ hội là cụ thượng đắp đê và đấu vật. 

 

Lời kết

Trong chuyến ghé thăm vùng đất kỳ quan, du khách đừng bỏ lỡ cơ hội tham gia top 8 lễ hội văn hóa Quảng Ninh nổi tiếng được gợi ý qua bài viết trên đây. Với ý nghĩa sâu sắc cùng nhiều hoạt động hấp dẫn, các lễ hội sẽ giúp du khách hiểu hơn về văn hóa truyền thống, dân gian và có thật nhiều những kỷ niệm đáng nhớ.

 

Tham khảo thêm các bài viết hữu ích về văn hóa:

Trần Nguyễn Trúc Quỳnh

MSV: 21050317

Lớp: QH-2021-E QTKD CLC 4

Mã học phần: INE3104 7