Ngày Tết là một trong những lễ quan trọng nhất của người Việt. Đây không chỉ là thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới mà còn là lúc mọi người trong gia đình sum họp, quây quần bên nhau.
Cũng từ lâu những món ăn ngày Tết đã trở thành những yếu tố quan trọng góp phần làm cho cái Tết thêm trọn vẹn hơn. Từ miền Bắc đến miền Nam, mỗi vùng đều có những món ăn với mùi vị riêng biệt. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu cho bạn những món ngon ngày Tết đặc trưng tại 3 miền.
Nội dung tóm tắt
Ý nghĩa mâm cỗ Tết cổ truyền Việt Nam
Mâm cỗ Tết cổ truyền Việt Nam là một trong những biểu tượng quan trọng góp phần tạo nên phong tục Tết của dân tộc ta. Nó không chỉ là một bữa ăn chung mà còn là cơ hội để gặp gỡ, chia sẻ niềm vui và tình yêu gia đình. Mỗi một món ăn đều chứa đựng nhiều điều may mắn đầu năm được gửi gắm.
Mâm cỗ Tết thường có các món luộc, rán, xào, nấu, hấp… đa dạng khác nhau. Món ăn ngày Tết được sử dụng những nguyên liệu tươi mới, chế biến thật đẹp mắt, bày lên bàn thờ gia tiên để thể hiện lòng thành kính trọng của con cháu.
Nếu muốn biết thêm nhiều món ăn khác hãy Bỏ túi 11 đặc sản 3 miền du khách nhất định phải thử khi đến Việt Nam
Các món ăn ngày Tết miền Bắc
Người miền Bắc thường hay chăm chút về mặt hình thức nên mâm cỗ ngày Tết cần chuẩn bị thật cẩn thận và đẹp mắt. Những món ăn được ưa chuộng nhất gồm có bánh chưng, xôi gấc và thịt đông.
Bánh chưng:
Bánh chưng được coi là một đặc trưng riêng của Tết, khi nhắc tới món ăn ngày Tết miền Bắc, người ta ngay lập tức nghĩ đến “bánh chưng xanh bên dưa hấu đỏ”. Bánh chưng được tạo ra nhằm tỏ lòng biết ơn và hiếu thảo của hoàng tử Lang Liêu đối với vua Hùng và đất trời.
Để có được chiếc bánh chưng xanh ngon là sự kết hợp khéo léo của gạo nếp dẻo thơm, đỗ xanh ngọt bùi, thịt mỡ béo ngậy cùng chút hơi cay của hạt tiêu. Nếu bánh chưng là tác phẩm nghệ thuật thì người gói bánh được coi là người nghệ sĩ tài ba.
Món ăn ngày Tết này mang hương vị rất riêng, cái mà người ta thường gọi là “hương vị của đất trời” khiến ai ai cũng say đắm khi nếm thử. Bánh chưng ăn kèm với đường cũng là một lựa chọn hoàn hảo hay chiên rán lên cho bữa sáng giàu dinh dưỡng.
Xôi gấc:
Xôi gấc là món ăn ngày Tết quan trọng của người dân miền Bắc Việt Nam. Nó tượng trưng cho sự hạnh phúc, giàu sang và bền bỉ. Xôi gấc còn có ý nghĩa là mong muốn một năm mới giàu tài lộc, may mắn và sức khỏe. Nó còn tạo ra sự đoàn kết giữa gia đình và bạn bè, giúp duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa những người thân.
Để có được món xôi gấc thật dễ dàng, bạn chỉ cần chuẩn bị gấc, đường và gạo nếp. Gạo nếp lựa chọn những hạt chắc mẩy để thổi xôi rồi nhuộm cùng màu đỏ tươi của gấc chín. Cuối cùng, đường được thêm vào cho ngọt đậm đà và làm cho xôi gấc trở nên hấp dẫn hơn.
Thịt đông:
Nhắc đến món ăn ngày Tết miền Bắc, người ta còn nhớ ngay đến món thịt đông thơm ngon. Chỉ có cái se lạnh mang theo chút mưa bụi của mùa xuân mới làm nên hương vị đúng chuẩn của món ăn này.
Vào bếp làm món thịt đông ngày Tết cũng thật đơn giản. Lựa chọn phần chân sau của thịt lợn tươi ngon, kết hợp với mộc nhĩ, nấm hương thái sợi thêm chút gia vị cho vừa vào cho vào nồi áp suất hoặc nồi gang đun đến khi thịt mềm, nước dùng trong.
Món ngon không chỉ ở hương vị, mà còn ở nét văn hóa xoay quanh mâm cơm ngày Tết. Thịt đông xếp trên mâm cỗ luôn có một sức hấp dẫn. Màu hổ phách trong, mùi tiêu Bắc cay nồng, miếng thịt hồng nhạt, mềm thơm từng thớ, khơi dậy toàn bộ vị giác người ăn.
Nếu bạn thích những món ăn miền Bắc, hãy tham khảo thêm: Top 7 quán bánh mì Hà Nội ngon “nhức nách” không thể bỏ qua.
Các món ăn ngày Tết miền Trung
Ẩm thực miền Trung cũng rất phong phú và đa dạng không kém cạnh miền Bắc. Đặc biệt các món ăn ngày Tết miền Trung khiến người ta ăn một lần mà nhớ mãi hương vị.
Bánh tét:
Bánh tét truyền thống được bọc nhiều lá bên ngoài tượng trưng cho mẹ bọc lấy con, mang mong muốn sum vầy của người Việt vào ngày Tết. Không chỉ vậy, bánh tét xanh nhân đậu màu vàng gợi cho người nông màu xanh của đồng quê, niềm mơ ước “an cư lạc nghiệp” của một mùa xuân an bình cho mọi nhà.
Nguyên liệu làm bánh tét cũng gần giống với bánh chưng bao gồm gạo nếp, đỗ xanh, thịt ba chỉ chỉ khác bánh tét có thể dùng lá chuối để gói. Khi gói bánh đòi hỏi người gói phải cẩn thận, tỉ mỉ, chắc tay để bánh chặt và đẹp.
Một vài mẹo để bánh tét được mềm, dẻo, và xanh bắt mắt đó là khi luộc bánh được một nửa thời gian, bạn vớt bánh ra ngoài rửa qua với nước lạnh rồi mới tiếp tục luộc. Khi bánh chín, vớt bánh ra rửa thêm một lần nữa với nước lạnh và dùng tay lăn tròn bánh để bánh đạt độ hoàn hảo nhất.
Nếu bạn thích loại bánh này, hãy tham khảo: Cách Làm Bánh Tét Truyền Thống Cho Ngày Tết Trọn Vị
Nem chua:
Nem chua cũng là món ăn ngày Tết mà người miền Trung dùng để đãi khách. Đặc biệt, nem chua xứ Quảng hiện hữu cho đến giờ trở thành nét văn hóa, nó lưu giữ về một vùng đất và cũng là cội nguồn của cư dân mà gốc rễ đa phần là lưu dân vùng Thanh – Nghệ.
Người ta thường sử dụng thịt lợn nạc vai thái mỏng đem ướp với các nguyên liệu cần thiết, sau đó dùng lá ổi bánh tẻ kết hợp lá chuối gói lại để 3 ngày sẽ được thành quả như ý.
Món này đưa cay là mồi bén cho cánh mày râu trong ngày Tết đến. Chỉ cần bạn ngửi mùi lá chuối cháy khi nướng và nghe tiếng xèo xèo nơi gian bếp là ruột gan bạn cồn cào đến lạ.
Món ngon ngày Tết miền Nam
Cũng giống với miền Trung, miền Nam cũng có món bánh tét nhưng bánh tét ở đây phong phú hơn về nguyên liệu… Nhưng để lại ấn tượng trong lòng thực khách phải kể đến thịt kho hột vịt, canh khổ qua nhồi thịt và củ kiệu tôm khô.
Thịt kho hột vịt:
Từ lâu, thịt kho hột vịt đã trở thành linh hồn trong mâm cỗ ngày Tết của người miền Nam. Đây là một trong những món ăn ngày Tết mang ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Món thịt kho hột vịt múc ra nhìn đẹp mắt trong mâm cơm ngày tết. Miếng thịt vuông vức. Hột vịt tròn. Như biểu tượng cho âm dương cân bằng, tinh tế. Trứng tròn còn là biểu tượng của sung túc, sinh sôi, mong một năm mới an khang, con cháu đông đàn.
Những nguyên liệu tưởng chừng như rất đơn giản bao gồm thịt lợn, trứng vịt, nước dừa.. Nhưng có thể làm nên một món ăn nhớ mãi không quên cả về hương vị cũng như ý vị đồng bào miền Nam gửi gắm trong đó.
Canh khổ qua nhồi thịt:
Ngay từ cái tên “khổ qua” đã chứa đựng nhiều ý nghĩa của món ăn ngày Tết này. Người miền Nam tin rằng, nếu ăn canh khổ qua vào năm mới sẽ xua đi những khó khăn trong năm cũ, đón chào 1 năm mới nhiều may mắn, thuận lợi hơn.
Để có món canh khổ qua thịt thơm ngon, bạn nên lựa chọn những trái khổ qua xanh tươi, không quá già cùng thịt heo và xương heo. Xương heo mang hầm lấy nước dùng, thịt heo xay nhuyễn tẩm ướp rồi nhồi vào từng trái khổ qua thật khéo tay. Sau đó, cho thành phẩm đã nhồi vào nồi nước dùng hầm đến khi chín để hoàn thành.
Ngoài việc nấu món ăn này vào ngày Tết thì ăn khổ qua còn rất tốt cho sức khỏe. Nó giúp hỗ trợ điều trị cho những bệnh nhân tiểu đường tuýp 2; loại bỏ sỏi thận; giảm cholesterol từ đó giảm đáng kể bệnh tim và đột quỵ, ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư tuyến tụy; làm sáng da…
Củ kiệu tôm khô:
Nếu dưa hành là món không thể thiếu trong mâm cỗ Tết cổ truyền miền Bắc thì củ kiệu tôm khô lại là món đặc trưng ở miền Nam. Củ kiệu tôm khô chua ngọt ăn kèm với bánh tét hay thịt kho làm tăng thêm hương vị món ăn và giải ngán rất tốt.
Để làm món ăn ngày Tết này thành công trước tiên bạn cần lựa chọn những con tôm khô có mùi thơm và màu sắc tự nhiên để hạn chế bị tẩm nhiều hóa chất. Kiệu có hình dáng hơi giống củ hành nhưng bé hơn. Củ kiệu dùng để làm củ kiệu tôm khô không được dùng loại ngâm lâu quá vì dễ bị chua.
Sau khi đã sơ chế và tẩm ướp xong, cho củ kiệu trộn đều với tôm khô để khoảng 2 ngày là có thể ăn được. Ngoài ra, món ăn này có thể ăn cùng trứng bắc thảo cũng vô cùng lạ vị nhưng không kém phần ngon ngọt.
Xem thêm: Đặc sắc những món ngon ngày Tết miền Nam
Một số lưu ý khi chuẩn bị mâm cỗ ngày Tết:
Mỗi miền đều có những hương vị ẩm thực cũng như các món ăn ngày Tết khác nhau. Bởi vậy, khi chuẩn bị mâm cỗ ngày Tết cũng cần có những quy tắc riêng để cho cái Tết được trọn vẹn ý nghĩa.
Mâm cỗ Tết ở miền Bắc được các bà mẹ, chị em tuân thủ nghiêm ngặt theo quy tắc: 4 bát 4 đĩa (không bao gồm nước chấm, dưa hành và xôi) tượng trưng cho tứ trụ (4 mùa, 4 phương). Với những nhà nào khá giả hơn thì chuẩn bị nhiều hơn (4 bát 6 đĩa hoặc 8 bát 8 đĩa), có khi mâm cỗ lớn phải xếp cao đến 2, 3 tầng.
Đơn giản hơn ngoài Bắc, miền Trung có một mâm cỗ giản dị hơn và thể hiện tinh thần tiết kiệm, sẻ chia. Các món ăn trên mâm cơm hay mâm cỗ thường được chia vào chén hoặc dĩa nhỏ vừa phải, nhưng món ăn lại rất đa dạng trong cách ăn.
Miền Nam lại cho người ăn có cảm giác trù phú và phóng khoáng. Đó là sự kết hợp đa dạng của các món ăn Á – Âu vừa truyền thống vừa mới lạ nhưng không làm mất đi cái ý nghĩa ban đầu của mâm cỗ ngày Tết Việt.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm một vài bài viết khác về chủ đề ẩm thực dưới đây:
Nấu bún riêu cua thơm ngon, đúng vị tại nhà chỉ với 5 bước đơn giản
Kết luận
Từ Bắc vào Nam mỗi miền mang một hương vị ẩm thực đặc trưng. Mỗi món ăn ngày Tết ở mỗi miền là mỗi một câu chuyện tràn đầy ý nghĩa. Hãy vào bếp cùng làm những món ăn này để trải nghiệm ẩm thực 3 miền nhé. Chúc bạn thành công!
Đừng quên theo dõi mình để biết thêm nhiều kiến thức bổ ích hơn nữa nhé!