Tóc mỏng, rụng tóc và các vấn đề liên quan đến tóc khác có thể ảnh hưởng đến những bạn nữ ở độ tuổi thanh thiếu niên ở tuổi đôi mươi. Ảnh hưởng không chỉ đến sức khỏe mà đến sự sắc đẹp của các cô gái và khiến họ mất tự tin khi gặp mọi người.
Cùng mình đi tìm hiểu nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng rụng tóc nhiều ở nữ tuổi 20+ qua bài viết sau đây nhé!
Nội dung tóm tắt
RỤNG TÓC LÀ GÌ?
Vòng đời của tóc được lập trình theo chu kỳ 4 bước: (1) Phát triển, (2) Nghỉ ngơi, (3) Rụng xuống, (4) Tái sinh. Ước tính người bình thường có khoảng 100.000 sợi tóc trên đầu. Trung bình, mỗi ngày sẽ có 25–100 sợi bị rụng. Đây là hiện tượng sinh lý hết sức bình thường của cơ thể. Tuy nhiên, khi con số sợi tóc rụng quá 100, đây là dấu hiệu của bệnh lý nào đó.
Rụng tóc là thuật ngữ đề cập đến tình trạng số lượng tóc rụng đi nhiều hơn số tóc mọc. Các trường hợp tóc rụng nhưng không mọc lại, để lộ mảng trống ở da đầu được gọi là hói.
CÁC DẤU HIỆU PHỔ BIẾN CỦA CHỨNG RỤNG TÓC
- Rụng hơn 100 sợi mỗi ngày.
- Có thể cảm thấy ngứa, nóng rát ở da đầu.
- Một mảng da bị mất tóc, sờ lên có cảm giác mịn, có màu hồng đào, hình tròn.
- Tóc rụng từng vùng.
Thông thường, rụng tóc chỉ ảnh hưởng lên da đầu. Tuy vậy, cũng có một số trường hợp các bộ phận khác (như lông mày, lông mi,…) cũng bị tác động:
- Rụng tóc toàn thể: tóc dễ rụng, mỏng đi khi chải tóc.
- Rụng tóc toàn thân: phổ biến ở người hóa trị liệu do ung thư, tuy nhiên tóc có thể mọc lại sau một thời gian.
CÁC NGUYÊN NHÂN CHỦ YẾU GÂY RA RỤNG TÓC
1. Rụng tóc do ăn kiêng quá mức cần thiết
Tất cả chúng ta đều biết tầm quan trọng của việc ăn uống, đặc biệt đối với các chị em, đảm bảo vóc dáng là điều cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, khi chế độ ăn uống không đảm bảo, không khoa học thì nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cơ thể, đặc biệt là sự phát triển của tóc.
Nếu bạn hạn chế cơ thể cung cấp chất dinh dưỡng, nó sẽ chuyển năng lượng ra khỏi tóc và chuyển đến các cơ quan quan trọng trong cơ thể như tim, phổi hoặc não.
Tóc cần rất nhiều năng lượng để phát triển, và nếu bạn không bổ sung đủ các nhóm vitamin, chất béo, protein và sắt, chắc chắn bạn sẽ bị rụng hoặc mỏng tóc. Bạn sẽ nhận thấy sự thay đổi rõ rệt của mái tóc cho đến khoảng 3 tháng sau khi bắt đầu hạn chế ăn uống không khoa học.
Ăn kiêng có thể giúp bạn có vòng eo con kiến nhưng chắc chắn không thể mang đến cho bạn một mái tóc chắc khỏe nếu bạn ăn kiêng quá mức.
2. Rụng tóc do căng thẳng
Ở tuổi 20+, giới trẻ có nhiều thứ phải suy nghĩ. Ví dụ như áp lực việc học để qua môn hay đạt học bổng hay phải bảo vệ luận án tốt nghiệp cho việc ra trường; rời khỏi giảng đường đại học nhưng lại không tìm được công việc phù hợp nhưng vẫn có tận n+1 thứ phải chi tiền, lại chẳng muốn xin tiền bố mẹ?…
Căng thẳng (dù là mãn tính hay đột ngột) có thể làm chậm chu kỳ của tóc. Khi bạn căng thẳng, cơ thể sản sinh ra một loại hormone gọi là cortisol, hormone này có thể đẩy tóc bạn sớm vào giai đoạn nghỉ ngơi.
Các bác sĩ gọi chứng rụng tóc này là “telogen effluvium”. Rụng tóc liên quan đến căng thẳng thường không phải là vĩnh viễn, nhưng nó có thể khiến bạn bị rụng quá nhiều kéo dài khoảng 6-9 tháng.
3. Rụng tóc do thay đổi nội tiết tố
Hormone cũng đóng một vai trò trong chu kỳ tóc của bạn. Hormone không chỉ diễn ra ở độ tuổi dậy thì mà bất cứ độ tuổi nào khác. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thay đổi hormone trong cơ thể bạn như thuốc tránh thai, thay đổi chế độ sinh hoạt, không ngủ đủ giấc, các vấn đề về sức khỏe,…
Trong đó, điển hình nhất là khi mang thai, mức độ cao của estrogen và progesterone trong thời kỳ mang thai có thể khiến tóc bạn mọc nhanh hơn và mềm mượt hơn. Nhưng khi em bé được sinh ra, những mức độ này giảm đáng kể, và bạn sẽ thường thấy một lượng tóc rụng đáng kể sau đó 3 tháng.
Tóm lại, khi nồng độ hormone bị thay đổi một cách đột ngột sẽ gây nên các ảnh hưởng đến tóc. Điều này khiến các lớp biểu bì của tóc yếu đi và dễ gãy rụng.
4. Rụng tóc bởi tạo quá nhiều “áp lực ” từ chất hóa học
Làm đẹp mái tóc vốn là nhu cầu thiết yếu của nhiều người. Tuy nhiên, điều này cũng đi kèm với rất nhiều hậu quả. Đầu tiên phải kể đến là tình trạng rụng tóc, hoặc khiến tóc bị khô xơ, chẻ ngọn. Nguyên nhân chính là do việc tăng “áp lực” cho tóc từ các chất hóa học uốn, duỗi, nhuộm; hoặc những tác động cơ học từ các loại máy tạo nhiệt lượng lớn như máy sấy, máy tạo kiểu…
Việc thay đổi kiểu tóc thường xuyên sẽ khiến lớp lipid và vảy keratin– phần vỏ bảo vệ bên ngoài của sợi tóc bị phá vỡ. Từ đó khiến mái tóc mất đi độ ẩm và sức sống vốn có.
Bên cạnh đó, buộc tóc quá chặt, quá cao hay cuốn tóc thành nhiều vòng cũng khiến cho những sợi tóc yếu dễ dàng đứt gãy, thậm chí còn khiến cho chân tóc bị tổn thương, khó mà hồi phục.
5. Rụng tóc do mắc các bệnh về da đầu
Ngoài các nguyên nhân rụng tóc ở tuổi 20+ trên, một số bệnh về da đầu thường gặp cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng rụng tóc hàng loạt ở người trẻ. Các bệnh như á sừng da đầu, vảy nến, viêm da tiết bã hoặc bệnh viêm chân tóc… đều có đặc điểm chung là khiến da đầu bong tróc, ngứa ngáy dẫn đến rối loạn điều tiết bã nhờn gây da đầu dầu. Nặng hơn có thể xảy ra tình trạng rụng tóc từng mảng hoặc hói cục bộ rất nguy hiểm.
Thế nên, việc rụng tóc nhiều cũng là dấu hiệu cảnh báo sớm nhiều vấn đề về sức khỏe. Hãy cố gắng lưu ý sớm để có biện pháp điều trị thích hợp để đảm bảo cơ thể và mái tóc luôn khỏe mạnh, óng mượt.
6. Rụng tóc do yếu tố di truyền
Yếu tố di truyền là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây hói đầu. Trên thế giới có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi bố mẹ bị hói đầu, thì nguy cơ con cái cũng bị rụng tóc hói đầu rất cao. Các triệu chứng hói đầu di truyền sẽ bắt đầu xuất hiện từ khi dậy thì. Yếu tố tiền sử gia đình sẽ giúp bạn ước lượng được độ tuổi rụng tóc của bản thân.
BIỆN PHÁP NÀO CÓ THỂ NGĂN RỤNG TÓC
♦ Sử dụng nguyên liệu tự nhiên
Dùng các loại nguyên liệu tự nhiên như tinh dầu bưởi, bồ kết, nha đam, dầu dừa,… để ủ dưỡng tóc là một trong những giải giáp giúp giảm rụng, kích thích mọc tóc tại nhà được lòng phái đẹp vì dễ tìm nguyên liệu, dễ thực hiện và quan trọng hơn cả là tiết kiệm chi phí.
♦ Điều trị bằng thuốc
Thuốc là giải pháp không thể thiếu trong liệu trình điều trị chứng rụng tóc. Thuốc được dùng có thể là thuốc ngăn rụng tóc, thuốc giảm viêm, ức chế hệ miễn dịch. Tuy nhiên, bạn cần phải đến các cơ sở y tế thăm khám mới được dùng thuốc sao cho phù hợp với bệnh trạng của mình.
Tham khảo các loại thuốc:
+ Thuốc Natures Bounty Hair Skin Nails cung cấp dưỡng chất cho tóc. Nhấp vào đây để được tư vấn.
+Qik Hair – Thuốc ngăn ngừa rụng tóc do mất cân bằng nội tiết tố. Nhấp vào đây để được tư vấn.
♦ Thay đổi lối sống và sinh hoạt
-Cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể: Như đã phân tích ở trên, thiếu hụt dinh dưỡng là một trong những nguyên nhân góp phần gây rụng tóc nhiều ở nữ tuổi 20+. Theo đó, để khắc phục tình trạng này bạn cần xây dựng và duy trì một chế độ ăn uống khoa học, cân bằng dưỡng chất. Đặc biệt, nên tăng cường bổ sung các loại thực phẩm có lợi cho sự phát triển của tóc vào trong chế độ ăn uống hằng ngày như thịt bò, thịt gà, cá hồi, cá thu, trứng, sữa, rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt,…
Tham khảo việc ăn kiêng lành mạnh bằng cách ăn chay có lợi cho sức khỏe tại đây
-Massage da đầu thường xuyên, luôn giữ tâm trạng thoải mái, cân bằng thời gian học tập và nghỉ ngơi bằng cách sắp xếp việc học hành và thời gian nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế thức khuya, luyện tập thể dục thể thao với những bài tập phù hợp với sức khỏe…
♦ Thay đổi thói quen chăm sóc tóc
-Ưu tiên lựa chọn dầu gội, dầu xả, dầu dưỡng tóc có thành phần từ thiên nhiên. Hạn chế sử dụng chế độ thổi nóng của máy sấy.
-Hạn chế thay đổi kiểu tóc bằng các loại hóa chất, tốt nhất chỉ nên làm tóc 6 tháng/lần.
-Mỗi khi ra đường hãy đội mũ để bảo vệ tóc khỏi khói bụi và tia UV.
-Tránh chải đầu khi tóc ướt.
-Không nên buộc tóc quá chặt hay thắt bím tóc,…
KẾT LUẬN
Tóc mọc cần thời gian, ngay cả những phương pháp điều trị rụng tóc hiệu quả cũng cần có thời gian, vì vậy bạn thường sẽ không thấy kết quả sau 1 ngày hay 1 tuần.
Hãy “quay ngược thời gian” để xem trong khoảng 3 tháng gần đây bạn đã làm gì ảnh hưởng đến mái tóc của mình để gây ra căn bệnh rụng tóc nhé! Bạn có đang ăn kiêng? Hay bạn đang sử dụng thuốc để điều trị các bệnh lý khác của mình? Tìm ra nguyên nhân và thay đổi chính là cách bạn chữa bệnh rụng tóc nhanh nhất.
Sau 20 tuổi không chỉ cần quan tâm đến công việc, sức khỏe làn da mà còn cần chú ý đến mái tóc. Đừng để căn bệnh rụng tóc làm mình mất tự tin! Chúc bạn có được mái tóc đẹp hoàn hảo như ý muốn.
Tác giả: Bùi Thị Hảo
MSV: 20051263
Hữu ích quzz