Nội dung tóm tắt
“Thời trang nhanh” là gì? Xu hướng kinh doanh thời trang nhanh
Trong lĩnh vực thời trang, Thời trang nhanh đã trở thành thuật ngữ quen thuộc ở những năm trở lại đây. Hàng loạt các thương hiệu thời trang nhanh xuất hiện và nổi tiếng tại thị trường Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Hãy cùng mình tìm hiểu về xu hướng của thời trang nhanh là gì và sức ảnh hưởng của chúng đối với ngành thời trang trong bài viết này nhé!
1. Thời trang nhanh là gì?
Thời trang nhanh (Fast fashion) hay còn gọi là Thời trang ăn liền. Đây là thuật ngữ dùng để chỉ những món đồ lấy ý tưởng từ các xu hướng thời trang mới nhất, được sản xuất rất nhanh để chuyển đến các cửa hàng và bán cho người tiêu dùng. Ngành thời trang này cho phép người tiêu dùng mua những thiết kế mới nổi bật, mới lạ theo xu hướng với giá cả phải chăng, hợp với túi tiền của phần đông mọi người.
Phương pháp sản xuất của Thời trang nhanh tập trung vào tiêu chí nhiều hơn, nhanh hơn. Do đó, những món đồ này thường có mức giá rẻ phù hợp với số đông mà vẫn kịp thời đáp ứng những xu hướng thời trang mới nhất. Đối tượng hướng đến của Fast Fashion là nhóm khách hàng trẻ tuổi và luôn có gu thời trang chạy theo “trend”.
Chính bởi đặc điểm này, Fast Fashion đang thách thức các ngành thời trang truyền thống với các bộ sưu tập và dòng sản phẩm mới được tung ra một cách có trật tự theo mùa. Trên thực tế, không có gì lấy làm lạ khi các thương hiệu Fast Fashion liên tục cho ra mắt những mẫu thiết kế mới, thậm chí là chỉ trong 1 tuần để bắt kịp xu hướng mới của thị trường.
Để thời trang nhanh phát triển thì những đổi mới trong quản lý chuỗi cung ứng giữa các nhà sản xuất, nhà bán lẻ và thương hiệu cũng là một yếu tố tiên quyết. Zara và H&M là hai “gã khổng lồ” trong ngành thời trang này của thế giới.
Bên cạnh đó còn có một số thương hiệu khá nổi tiếng khác như GAP, Topshop… Mặc dù mang đến không ít lợi ích cho thị trường, nhưng Fast Fashion cũng mang đến nhiều vấn đề về môi trường, sức khỏe,… mà chúng ta cũng nên cân nhắc.
2. Sức cạnh tranh của xu hướng thời trang nhanh
Trước đây, mua sắm quần áo được xem là nhu cầu theo mùa. Người tiêu dùng sẽ tiết kiệm tối đa để mua quần áo mới vào những thời điểm nhất định trong năm. Những người có ý thức về phong cách sẽ có được một bản xem trước các phong cách sắp có thông qua các buổi trình diễn thời trang trưng bày các bộ sưu tập và dòng quần áo mới vài tháng trước khi chúng xuất hiện trong các cửa hàng.
Nhưng điều đó bắt đầu thay đổi vào cuối những năm 1990, khi mua sắm trở thành một hình thức giải trí và chi tiêu tùy ý cho quần áo tăng lên. Nhập thời trang nhanh hàng may mặc rẻ, hợp thời trang, được sản xuất hàng loạt với chi phí thấp, cho phép người tiêu dùng cảm thấy là họ có thể mặc cùng kiểu trang phục được người mẫu trình diễn giới thiệu.
Thời trang nhanh được tạo ra nhờ những đổi mới trong quản lý chuỗi cung ứng (SCM) giữa các nhà bán lẻ thời trang. Mục tiêu của nó là nhanh chóng sản xuất các mặt hàng quần áo hiệu quả về chi phí để đáp ứng nhu cầu thay đổi nhanh của người tiêu dùng nhất là khi họ muốn sở hữu thời trang cao cấp với chi phí thấp.
3. Ưu điểm và nhược điểm khi kinh doanh thời trang nhanh
3.1 Ưu điểm
- Sản phẩm ra mắt liên tục: Thời trang nhanh có lợi cho các nhà bán lẻ vì việc các sản phẩm mới liên tục ra mắt khuyến khích khách hàng đến cửa hàng thường xuyên hơn, đồng nghĩa với việc họ sẽ mua nhiều hàng hơn.
- Không cần chương trình giảm giá vẫn bán được hàng: Tốc độ dịch chuyển nhanh chóng của thời trang nhanh giúp các nhà bán lẻ tránh được việc phải giảm giá khiến lợi nhuận sụt giảm. Các công ty không bổ sung thêm số lượng của một mẫu quần áo mà thay thế nó bằng một mẫu quần áo khác. Do đó, người tiêu dùng sẽ mua mặt hàng mà họ thích bất kể nó có giá bao nhiêu, vì họ biết rằng nó sẽ không tồn tại lâu trong cửa hàng.
- Bắt kịp xu hướng mới: Thời trang nhanh cũng mang lại lợi nhuận lớn, đặc biệt nếu một nhà bán lẻ có thể bắt kịp xu hướng trước các đối thủ cạnh tranh. Và nếu có bất kì tổn thất nào, các nhà bán lẻ thời trang có thể phục hồi nhanh chóng bằng cách tung ra một dòng quần áo hoặc sản phẩm mới.
Bên cạnh đó, quần áo được sản xuất với chi phí thấp, các công ty rất dễ dàng khuyến khích người tiêu dùng quay lại cửa hàng để mua quần áo mới với kiểu dáng mới nhất.
3.2 Nhược điểm
- Chất lượng không đảm bảo: Vì là thời trang nhanh nên những mặt hàng thường không bền do chất liệu vải kém chất lượng.
- Dễ bị đào thải: trend mới xuất hiện liên tục sẽ khiến người tiêu dùng nhanh chóng bỏ đi quần áo cũ. Vì vậy số lượng rác thải thời trang mang ngành công nghiệp fast fashion mang tới vô cùng đáng kể.
- Ảnh hưởng đến môi trường: Những chất liệu rẻ tiền tạo nên các bộ trang phục thời trang nhanh thường tốn thời gian lâu để sản xuất mà cũng tốn nhiều thời gian, quá trình dài để phân hủy. Sau khi phân hủy chúng có thể tạo ra các chất làm ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất hoặc nguồn nước khi rác thải bị chôn dưới lòng đất.
4. Những thương hiệu Thời trang nhanh nổi tiếng được ưa chuộng hiện nay
4.1 Thương hiệu Zara
Zara là chuỗi cửa hàng thời trang bán lẻ của Tây Ban Nha, và cũng là thương hiệu hàng đầu của tập đoàn dệt may khổng lồ Inditex nổi tiếng. Các nhà thiết kế của Zara có thể phác thảo một bản thiết kế và biến bản thiết kế này thành một sản phẩm hoàn chỉnh xuất hiện trên các kệ hàng trong cửa hàng chỉ trong vòng ít nhất bốn tuần.
Điều này đồng nghĩa với việc, các mặt hàng thời trang của Zara có thể đổi mới liên tục, các cửa hàng cũng thường xuyên được lên bộ sưu tập mới.
Zara thành công nhờ chuỗi cung ứng tối ưu, hơn một nửa nhà máy nằm gần trụ sở A Coruña, Tây Ban Nha. Các cửa hàng bán lẻ luôn có nhiều lựa chọn vì chuỗi cung ứng quay vòng nhanh chóng. Tốc độ sản xuất cao, trung bình trên 10.000 chiếc hàng mỗi năm so với mức trung bình ngành là 2.000 đến 4.000. Năm 2019, doanh thu ròng của Zara đạt 19,5 tỷ euro với hơn 2.138 cửa hàng trên 96 quốc gia và mạng lưới trực tuyến phát triển mạnh.
Theo thống kế vào năm 2019, doanh thu ròng hàng năm của Zara (bao gồm cả Zara Home) là 19,5 tỷ euro (khoảng 22 tỷ đô la). Hệ thống công ty có tới 2.138 cửa hàng trên 96 quốc gia, tính đến giữa năm 2020, đồng thời hoạt động trực tuyến của thương hiệu thời trang này cũng hoạt động mạnh mẽ.
4.2 Thương hiệu H&M
Được thành lập vào năm 1947, H&M là một thương hiệu thời trang bình dân nổi tiếng có trụ sở tại Thụy Điển (viết tắt của Hennes & Mauritz). Có thể nói H&M là một trong những công ty lâu đời nhất trong ngành thời trang. Tính đến năm 2019, H&M hoạt động mạnh mẽ tại 74 quốc gia với hơn 5.000 cửa hàng dưới tên các thương hiệu khác nhau. Ngoài H&M thì còn có COS với các sản phẩm cao cấp hơn một chút và Monki có những sản phẩm thời trang hướng đến giới trẻ nhiều hơn.
H&M hoạt động như một cửa hàng bách hóa. Thương hiệu này không chỉ bán quần áo cho nam giới, phụ nữ và trẻ em mà còn bán thêm các sản phẩm mỹ phẩm và đồ nội thất gia đình. Chính xác hơn H&M là một nhà bán lẻ, bởi thương hiệu này không sở hữu bất kỳ nhà máy sản xuất nào mà phụ thuộc vào hơn 800 nhà cung cấp độc lập.
Một phần trong chiến lược phát triển của H&M không phải chỉ cung cấp những sản phẩm may lại thiết kế của người khác mà còn có thêm những sáng tạo độc đáo, thông qua sự hợp tác của các nhà thiết kế được yêu thích như Alexander Wang và Giambattista Valli. Điển hình là vào đầu năm 2021, thương hiệu này đã tung ra bộ sưu tập do nhà thiết kế Simone Rocha thiết kế.
4.3 Thương hiệu Shein
Theo tờ The Guardian, vừa qua thì Shein (thương hiệu thời trang siêu nhanh đến từ Trung Quốc). Shein từ thương hiệu thời trang nhanh không mấy nổi trội đã vượt lên đứng đầu thị trường này. Theo đó, gã khổng lồ này từ doanh thu chỉ với 2 tỷ USD vào 2018 bỗng vụt lên 15,7 tỷ USD vào 2021.
Hãng thời trang thương mại điện tử Shein ở thời điểm hiện tại được đánh giá là đi đầu trong mô hình kinh doanh thời trang mì ăn liền. Thời gian vừa qua Shein đã được định giá thương hiệu với 100 tỷ USD, tương đương với tổng 2 thương hiệu Zara và H&M cộng lại. Thương hiệu này có trụ sở chính nằm tại Quảng Châu (Trung Quốc) và được thành lập bởi Chris Xu và có đến 7.000 nhân viên. Và với số lượng hàng tồn kho chỉ khoảng 6% trong vòng 90 ngày.
Shein hoạt động theo phương thức thử nghiệm, dựa vào các bên sản xuất thứ 3 nằm tại Trung Quốc để đưa ra thị trường những mặt nhà với số lượng nhỏ khoảng 50 đến 100 chiếc cho mỗi loại. Nếu mặt hàng đó hoạt động tốt thì doanh nghiệp mới đưa ra số lượng lớn, còn không thì sẽ ngừng sản xuất mặt hàng đó.
4.4 Thương hiệu UNIQLO
Được thành lập từ năm 1949, UNIQLO hiện nằm trong top 3 thương hiệu thời trang nhanh hàng đầu thế giới, thuộc Tập đoàn Fast Retailing – doanh nghiệp bán lẻ thời trang hàng đầu Nhật Bản, sở hữu hơn 2.300 cửa hàng trên toàn thế giới.
Vào tháng 8 năm 2018, UNIQLO tuyên bố chính thức mở cửa hàng tại Việt Nam với cửa hàng đầu tiên có diện tích bán hàng hơn 3.100m2 chính là UNIQLO Đồng Khởi. Chi nhánh sở hữu không gian ba tầng lầu của trung tâm thương mại Parkson, trưng bày toàn bộ các dòng sản phẩm LifeWear, với phương châm tạo ra những trang phục đơn giản, tiện dụng, đa dạng về màu sắc, kiểu dáng thiết kế, đáp ứng nhu cầu của mọi tầng lớp tiêu dùng với mức giá hợp lý.
Kết luận:
Mặc dù Thời trang nhanh nhanh chóng trở thành xu hướng thời trang được ưa chuộng, nhưng là người tiêu dùng thông thái, bạn cần cân nhắc xem xét nhu cầu thực tế để có thể mua sắm một cách hợp lý, góp phần phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Hi vọng với những thông tin hữu ích được chia sẻ trong bài viết, bạn sẽ hiểu thêm về thị trường thời trang nhanh và lựa chọn phong cách phù hợp với mình.