Tiêu chảy cấp là tình trạng cơ thể đi ngoài rất nhiều lần. Mất nước điện giải khi tiêu chảy nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng. Những nguyên nhân nào gây nên tình trạng này và cách xử trí ra sao? Mời bạn đọc bài viết sau đây.
Nội dung tóm tắt
Triệu chứng tiêu chảy cấp
Tiêu chảy là bệnh lý đường tiêu hóa thường gặp ở nhiều người. Trẻ nhỏ chưa biết tự vệ sinh thân thể là đối tượng thường xuyên mắc tiêu chảy. Những triệu chứng phát hiện tiêu chảy cấp không khó phát hiện với những biểu hiện sau đây:
- Đi ngoài nhiều lần liên tục 4-6 lần/ ngày. Với trẻ nhỏ đặc biệt là trẻ sơ sinh là 4-7 lần/ ngày.
- Tiêu chảy cấp khi tình trạng đi ngoài kéo dài vài ngày khoảng dưới 14 ngày. Nếu tần suất đi ngoài vẫn cao trên 14 ngày thì tình trạng tiêu chảy là mạn tính.
- Đi ngoài phân lỏng, toàn nước, phân có thể có nhầy, máu.
- Đau bụng quặn, buồn đi vệ sinh.
- Buồn nôn, nôn.
- Sốt cao.
- Khát nước.
- Mệt mỏi.
Nguyên nhân gây tiêu chảy cấp
Tiêu chảy gặp phải chủ yếu do nhiễm vi rút có thể là vi khuẩn, kí sinh trùng hoặc độc tố khác. Những nguyên nhân thường gặp này rất có ích để chẩn đoán và xử trí khi bị tiêu chảy cấp.
Tiêu chảy cấp do nhiễm trùng đường ruột
Nhiễm trùng ruột ở đây có thể do vi rút, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng.
- Tiêu chảy do vi rút thường gặp là virus Rota. Tiêu chảy do nguyên nhân này rất hay gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Tiêu chảy do Rota vi rút khá nguy hiểm vì trẻ mất nước nhanh do đi ngoài rất nhiều lần.
- Tiêu chảy do vi khuẩn: Nguyên nhân nhiễm trùng ruột do vi khuẩn chủ yếu là tụ cầu, E.coli thường gặp khi ăn phải thức ăn ôi thiu, mất vệ sinh…
- Tiêu chảy do nhiễm ký sinh trùng: Như giun sán do vệ sinh môi trường, hay ăn phải thức ăn nhiễm trứng giun sán như ốc, thịt lợn, thịt bò… Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi cũng là đối tượng thường bị ký sinh trùng tấn công.
Tiêu chảy cấp do ngộ độc thức ăn
Ngộ độc thực phẩm cũng là nguyên nhân hay gặp khi bị tiêu chảy. Các loại thức ăn mất vệ sinh, nhiều chất bảo vệ thực vật, chất bảo quản, thuốc trừ sâu… khi vào cơ thể sẽ là độc tố làm tổn thương đường tiêu hóa gây tiêu chảy cấp tính.
Nguyên nhân tiêu chảy do các bệnh khác ngoài đường tiêu hóa
Những bệnh lý khác cũng có thể gây tiêu chảy. Điển hình là tiêu chảy ở trẻ nhỏ khi bị viêm đường hô hấp. Khi viêm đường hô hấp, ho có đờm, trẻ nhỏ thường nuốt đờm chứa nhiều vi khuẩn đó vào đường tiêu hóa. Đây là nguyên nhân khiến trẻ ho, viêm họng thường kèm theo tiêu chảy.
Ngoài ra, nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng máu cũng sẽ gây ra triệu chứng tiêu chảy.
Tiêu chảy do lồng ruột
Lồng ruột là tình trạng cấp cứu ở trẻ nhỏ nhất là các bé nam dưới 5 tuổi. Khi đó triệu chứng tiêu chảy cũng là biểu hiện giúp các mẹ phát hiện bệnh lý nguy hiểm này.
Dị ứng thức ăn gây tiêu chảy
Với những người cơ địa dị ứng, thức ăn ngoài việc gây ban đỏ trên da còn làm tổn thương niêm mạc đường ruột làm bạn bị tiêu chảy. Vì thế, có nhiều người cứ ăn 1 số loại thức ăn vào là bị đi ngoài. Ví dụ như có rất nhiều người bị dị ứng hải sản, ăn hải sản vào là tiêu chảy.
Điển hình có lẽ là bị tiêu chảy khi uống sữa. Đối với người Việt Nam trưởng thành không còn enzym tiêu hóa đường lactose trong sữa nên sẽ bị đi ngoài khi uống sữa nhất là khi đói. Một số trẻ nhỏ thiếu enzym lactose bẩm sinh cũng sẽ không uống được sữa.
Tiêu chảy do uống thuốc kháng sinh
Thuốc kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Vô tình nó cũng diệt mất số lượng vi khuẩn có lợi trong hệ tiêu hóa làm mất cân bằng hệ vi khuẩn này. Đây cũng là nguyên nhân khiến tình trạng tiêu chảy diễn ra khi dùng kháng sinh kéo dài.
Tiêu chảy cấp có nguy hiểm không?
Tiêu chảy là khi có lượng dịch lớn trong hệ tiêu hóa. Ngoài nước bị mất đi theo phân thì các chất điện giải cũng bị kéo theo. Điện giải gồm các ion natri, kali, hydrocarbonat… Chất điện giải đóng vai trò quan trọng trong cân bằng điện môi, điều hòa chức năng thần kinh, tim mạch. Mất nước và điện giải là hậu quả nghiêm trọng khi bị tiêu chảy cấp kéo dài.
Thậm chí, cơ thể sẽ rơi vào trạng thái shock và nguy hiểm tính mạng. Đồng thời, tiêu chảy làm mất đi chất dinh dưỡng khác như protein, axit amin, cơ thể thiếu năng lượng, không vực dậy được.
Vì thế, tiêu chảy cấp rất nguy hiểm nếu không xử lý kịp thời.
Triệu chứng mất nước nguy hiểm khi bị tiêu chảy cấp
Khi bị tiêu chảy mà gặp phải những triệu chứng này thì cơ thể đang rơi vào trạng thái mất nước nguy hiểm cần đến ngay cơ sở y tế để được xử trí.
- Khát nước.
- Môi khô, da khô không có đàn hồi.
- Không đi tiểu.
- Không ra mồ hôi.
- Mắt trũng sâu.
- Mệt mỏi, yếu cơ không hoạt động được cơ thể. Đối với trẻ nhỏ không có phản xạ dần dần sẽ ngất lịm đi.
- Trẻ con thóp trũng, mềm.
- Huyết áp thấp, nhịp tim nhanh.
- Mê sảng, bất tỉnh.
Xử trí khi bị tiêu chảy cấp như thế nào?
Cần nắm được nguyên nhân cơ bản, mục tiêu và nguyên tắc điều trị để xử trí tốt, hạn chế hậu quả nghiêm trọng do tiêu chảy cấp gây ra.
Mục tiêu điều trị tiêu chảy cấp
- Ngăn ngừa tình trạng mất nước, mất điện giải.
- Giảm thiểu tần suất, thời gian đi ngoài, cuối cùng là ngừng được triệu chứng đi ngoài.
- Giảm triệu chứng như sốt, đau bụng, nôn.
- Dự phòng tình trạng thiếu chất dinh dưỡng khi tiêu chảy.
Những nguyên tắc điều trị tiêu chảy
Điều trị tiêu chảy tuân theo những nguyên tắc sau đây:
- Bù lượng nước và dịch đã bị mất giúp cân bằng điện giải.
- Giải quyết các biến chứng có thể xảy ra.
- Điều trị nguyên nhân gây tiêu chảy.
- Nâng cao thể trạng bằng cách tăng cường bổ sung dinh dưỡng.
Điều trị tiêu chảy như thế nào?
- Uống oresol pha theo đúng chỉ dẫn ghi trên nhãn. Uống từng chút một. Nếu không uống được thì phải truyền điện giải và nước.
- Trẻ nhỏ còn bú mẹ tích cực bú mẹ vì trong sữa mẹ chứa nhiều kháng thể tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ chống lại nhiễm trùng.
- Uống bổ sung kẽm có tác dụng làm lành niêm mạc tiêu hóa bị tổn thương.
- Bổ sung men vi sinh làm cân bằng hệ vi khuẩn hỗ trợ triệu chứng tiêu chảy.
- Chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng, lỏng như cháo súp.
Khi bị tiêu chảy nên ăn gì?
Như đã nói ở trên, chế độ dinh dưỡng là 1 trong những biện pháp trong điều trị tiêu chảy, phục hồi sức khỏe cho người bệnh.
1. Nước cháo, nước gạo rang cho người tiêu chảy
Đây là thứ nước uống vừa bổ sung được tinh bột, năng lượng vừa giảm được co bóp dạ dày giảm tần suất đi ngoài. Nấu cháo loãng hoặc chắt nước cơm vừa sôi hoặc rang gạo thơm lên hãm với nước sôi. Nước đó có thể cho thêm chút muối hoặc đường cho người bệnh tiêu chảy uống từng chút một sẽ cảm thấy bụng dạ khỏe lên.
2. Bị tiêu chảy nên ăn thịt gà
Vì khi tiêu chảy sẽ bị mất đi 1 lượng protein lớn nên bổ sung các thực phẩm giàu đạm giúp phòng ngừa suy dinh dưỡng. Thịt gà chứa nhiều protein và dinh dưỡng cần thiết khi bị tiêu chảy. Protein thịt gà lại dễ tiêu hóa hơn nhiều loại thịt khác. Vì thế, món cháo gà, súp gà là món ăn phù hợp nhất để chăm sóc người bị tiêu chảy.
3. Bổ sung các loại nước trái cây
Nước trái cây rất nhiều vitamin, khoáng chất trong đó có các ion điện giải. Đối với người bị tiêu chảy, các loại nước hoa quả rất có lợi cho việc bù dịch và điện giải, cung cấp thêm năng lượng để phục hồi cơ thể.
Mặc dù tiêu chảy cấp thường xảy ra ở nhiều người và có thể gây ra hậu quả mất nước, điện giải nghiêm trọng nhưng xử lý kịp thời, đúng cách thì đây là tình trạng không quá nguy hiểm. Hy vọng với bài viết này đã cung cấp đủ thông tin chính xác để hiểu rõ hơn về bệnh tiêu chảy cấp.
| Có thể bạn chưa biết?
- 10 lỗi gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm bạn cần biết
- 11 thực phẩm giàu kẽm, cơ thể cần bao nhiêu kẽm mỗi ngày?
- Tổng hợp các loại thịt tốt cho sức khỏe bạn nên biết