Hiện nay, với sự phát triển nhanh đến chóng mặt của công nghệ hiện đại, mọi người đang dần có xu hướng chạy theo thời đại và bỏ quên những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Trong những nét văn hóa truyền thống đặc sắc đó, có một làng nghề cần mẫn, một dòng tranh dân gian ý nghĩa và là một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đáng quý của người Việt cần được bảo tồn và phát triển – Tranh Đông Hồ.
Hãy cùng Suckhoedothi.com tìm hiểu về dòng tranh dân gian quen thuộc đối với mọi người dân Việt Nam, chắc hẳn ai cùng từng được nhìn thấy hoặc nghe qua và khám phá danh sách 8 bức tranh đẹp và ý nghĩa nhất của dòng tranh đặc biệt này nhé !
Nội dung tóm tắt
Giới thiệu về tranh Đông Hồ
Tranh Đông Hồ là gì?
Tranh Đông Hồ, tên đầy đủ là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ, đây là một loại tranh dân gian Việt Nam với xuất xứ từ làng Đông Hồ thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Theo tìm hiểu, trước kia tranh chủ yếu phục vụ cho dịp Tết Nguyên Đán, người dân nông thôn mua tranh về dán trên tường, hết năm lại lột bỏ, dùng tranh mới. Đây không chỉ là những bức tranh trang trí mà còn là biểu tượng của sự đa dạng và sáng tạo trong nghệ thuật dân gian Việt Nam và mỗi bức tranh được vẽ ra đều mang những ý nghĩa sâu sắc, những chiêm nghiệm về đời sống của ông cha ta ngày xưa. (Theo Bảo tàng lịch sử quốc gia)
Lịch sử hình thành: từ bức tranh đầu tiên tới thời kỳ hiện đại.
- Giai đoạn đầu:
Tranh Đông Hồ có nguồn gốc từ làng Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Xuất hiện lần đầu trong giai đoạn thế kỷ XVII – XVIII đây cũng là thời kỳ hoàng kim của tranh Đông Hồ, nghệ nhân làng Đông Hồ đã sáng tạo ra một loại tranh dân gian độc đáo, đậm chất văn hóa và lịch sử. Những bức tranh Đông Hồ đầu tiên thường mang đề tài tâm linh, tôn giáo, thể hiện lòng tin sâu sắc của nhân dân nông thôn, về sau đề tài tranh chủ yếu để tả thực cuộc sống lao động của nông dân, phản ánh và có phần châm biếm những vấn đề trong xã hội.
- Giai Đoạn Chống Pháp:
Trong giai đoạn chống Pháp, người Pháp du nhập giấy ram và phẩm màu, bổ sung nguyên liệu làm tranh. Năm 1960, Hợp tác xã sản xuất tranh Đông Hồ ra đời. Trong thời kỳ lịch sử này, tranh Đông Hồ không chỉ giữ vững được tinh thần văn hóa truyền thống mà còn trở thành một phương tiện truyền thông mạnh mẽ. Những bức tranh thường được sử dụng để tuyên truyền, gửi đi thông điệp đoàn kết, chiến thắng, và lòng yêu nước. Hình ảnh những chiến sĩ, người lao động nông thôn, và tinh thần đoàn kết được thể hiện rõ trong tranh Đông Hồ.
- Giai đoạn hiện tại
Sau chiến tranh, tranh Đông Hồ đã duy trì được giá trị truyền thống và phát triển thêm, phản ánh cuộc sống đương đại và các chủ đề đa dạng để phù hợp với giai đoạn hiện đại. Nghệ nhân Đông Hồ ngày nay đã không ngừng sáng tạo, kết hợp giữa kỹ thuật truyền thống và những công cụ hiện đại nhằm gìn giữ và phát triển một nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam.
Ngoài ra, tranh Đông Hồ hiện nay không chỉ giữ lại những giá trị văn hóa mà còn trở thành một nguồn thu nhập quan trọng cho cộng đồng. Các triển lãm, sự xuất hiện trên thị trường nghệ thuật quốc tế, và sự chú ý từ du khách quốc tế đã giúp tranh Đông Hồ ngày càng phát triển, khẳng định vị thế và truyền bá một nét văn hóa đẹp của Việt Nam ra thế giới.
Đặc điểm nghệ thuật tranh Đông Hồ
- Chất Liệu và Màu Sắc:
Tranh Đông Hồ sử dụng giấy dó làm từ lá chuối là chất liệu chính. Màu sắc trong tranh được tạo ra từ màu tự nhiên với những nguyên liệu như như hoa hòe, hoa hiên, bột vỏ sò, than lá tre và các loại thảo mộc khác. Sự sáng tạo trong việc sử dụng màu tự nhiên tạo nên bảng màu rực rỡ và đậm chất dân gian. Bằng cách này, tranh Đông Hồ không chỉ ghi lại văn hóa mà còn tạo ra mỹ cảm dung dị và độc đáo.
- Kỹ Thuật:
Tranh Đông Hồ sử dụng kỹ thuật in từ ván khắc gỗ, trong đó ván in nét và ván in màu được sử dụng. Gỗ thị và gỗ thừng mực là nguyên liệu chính cho ván in nét, và công đoạn khắc ván đòi hỏi kỹ năng chạm khắc cao từ nghệ nhân. Mỗi bức tranh đòi hỏi sự kết hợp giữa ván in nét và ván in màu để tạo ra hình ảnh độc đáo và màu sắc rực rỡ.
- Nội Dung Chủ Đề
Tranh Đông Hồ truyền thống được chia thành 7 chủ đề chính: thờ, chúc tụng, lịch sử, truyện, phương ngôn, cảnh vật, và phản ánh sinh hoạt. Chủ đề tranh đa dạng từ tâm linh đến cuộc sống hàng ngày, giúp phản ánh rõ nét đời sống xã hội và văn hóa truyền thống Việt Nam.
Ý nghĩa của tranh Đông Hồ
Tranh Đông Hồ hiện nay đã có ý nghĩa lớn về mặt văn hóa đối với người dân Việt Nam, trở thành một di sản văn hóa quốc gia. Những bức tranh với chủ đề độc đáo cùng nghệ thuật làm tranh truyền thống phản ánh sâu sắc đời sống tinh thần và vật chất của con người, thể hiện ước mơ về cuộc sống gia đình hạnh phúc và xã hội công bằng. Ngoài ra, tranh Đông Hồ còn góp phần lưu giữ văn hóa truyền thống và làm phong phú đời sống tinh thần của người Việt Nam.
Top 8 bức tranh Đông Hồ đẹp và ý nghĩa nhất
Trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển của dòng tranh Đông Hồ, đã có rất nhiều bức tranh nghệ thuật ấn tượng, ý nghĩa được vẽ và bán ra để mọi người có đa dạng sự lựa chọn mua tranh treo ngày lễ Tết. Sau đây là 9 bức tranh Đông Hồ quen thuộc với người Việt như: đám cưới chuột, đấu vật, đàn gà mẹ con, chọi gà,… với nhiều tầng ý nghĩa, rất phù hợp để làm quà tặng nhau mỗi dịp tết đến xuân về như một lời chúc tụng, cầu phú quý, gia đình hạnh phúc, …
Đám cưới chuột
Bức tranh “Đám cưới chuột” có lẽ là một trong những bức tranh Đông Hồ nổi tiếng nhất và quen thuộc đối với mọi người. Đầu tiên về thủ pháp tạo hình, bức tranh miêu tả về một đám cưới của những con chuột, bao gồm hai phần, phần trên là bốn con chuột với hai con chuột đầu tiên đang cầm chim và cá đóng vai trò là lễ phẩm cho con mèo vàng ở góc trên bức tranh, con mèo được vẽ với dáng hình hung tợn, và có phần xảo quyệt.
Tiếp sau hai con chuột đó là hai con chuột đang thổi kèn, điều đặc biệt ở đây là loại kèn mà nó thổi là kèn đám ma như ngụ ý rằng con mèo kia ăn xong lễ phẩm sẽ mau “đi đời” để dòng họ chuột được yên ổn mà sinh sôi. Phần dưới của bức tranh là đoàn chuột đang rước kiệu, cầm cờ tổ chức lễ cưới, nét vẽ vui nhộn thể hiện không khí sôi động của lễ cưới truyền thống.
Ý nghĩa của bức tranh này là thể hiện sự no đủ, hạnh phúc, đám cưới chuột còn nhấn mạnh đến biểu tượng đông con nhiều cháu từ đặc tính của loài sinh đàn đẻ lũ này. Đám cưới cũng là thời khắc khởi đầu cho câu chuyện con đàn cháu đống. Ngoài ra bức tranh còn mang ý nghĩa châm biếm, đám cưới chuột bề ngoài là một đám cưới vui vẻ thế nhưng phải có cống vật dâng lên mèo để đám cưới được diễn ra yên ổn, con mèo dù biết chuột là loài gây hại và có nhiệm vụ bắt chuột nhưng vẫn cho qua.
Bức tranh này có ý nghĩa châm biếm, phản đối tham nhũng, mua quan bán chức và nạn tham ô trong chính quyền phong kiến. Nó thể hiện cuộc sống cực khổ của người lao động trong xã hội, khi phải làm việc vất vả và phải đút lót bọn quan lại để có cuộc sống yên bình. Bức tranh “Đám cưới chuột” là một tác phẩm mang nhiều tầng ý nghĩa, và trong cuộc sống hiện đại ngày nay, bức tranh này vẫn giữ được giá trị nhân văn, hiện thực và tính ứng dụng cao.
Đàn lợn âm dương
Một bức tranh Đông Hồ không kém phần quen thuộc là bức “Đàn lợn âm dương”, trong bức tranh Đàn lợn âm dương những con lợn được vẽ cách điệu mang lại ấn tượng mạnh với sự kết hợp giữa hình ảnh con lợn quen thuộc và yếu tố tâm linh (hình ảnh vòng tròn âm dương). Mỗi con lợn được tái hiện với dáng hình vững chãi, khỏe mạnh, béo tốt, đồng thời cũng truyền tải được đôi phần mềm mại và duyên dáng. Trên thân mỗi con lợn, có những vòng tròn âm dương, tượng trưng cho sự hài hòa giữa trời và đất, cũng như sự sinh sôi, phát triển và sung túc trong cuộc sống.
Trong tranh Đông Hồ, con lợn mang ý nghĩa về sự sung túc, phát tài phát lộc, thể hiện ước vọng của người dân lao động nhất là nông dân về một cuộc sống thịnh vượng, đủ đầy. Ngoài ra, hình ảnh con lợn cũng thể hiện cho mong muốn có một gia đình hạnh phúc, hòa thuận, con cháu đông đúc, sum vầy.
Chọi gà
Trong nhiều lễ hội dân gian ở Việt Nam, “chọi gà” luôn là trò chơi được nhiều người quan tâm, đây có thể coi như là một nét văn hóa của người Việt. Trong dòng tranh Đông Hồ cũng đã có một bức tranh “Chọi gà” thể hiện được trò chơi dân gian và nét văn hóa thú vị này cùng những ý nghĩa sâu sắc.
Thú chơi chọi gà vừa mang tính giải trí nhưng đồng thời bên cạnh đó nó biểu hiện cho sự nuôi dưỡng tinh thần thượng võ, chất keo gắn kết tinh thần cộng đồng đã từng tồn tại trong một thời gian khá dài trong các hội làng xưa.
Ý nghĩa của bức tranh này là biểu thị cho sự cần cù siêng năng giống như loài gà – thức dậy làm việc từ sáng tinh mơ, sức khỏe dồi dào và tinh thần thượng võ.
Đàn gà mẹ con
Bức tranh tiếp theo là bức “Đàn gà mẹ con”, vẫn là hình ảnh con gà quen thuộc cùng nét vẽ mềm mại đặc trưng của dòng tranh Đông Hồ. Bức tranh bao gồm một con gà mẹ cùng một đàn gà con gồm mười con đang quây quần bên gà mẹ, thể hiện sự sung túc, gia đình hạnh phúc đầm ấm, đồng thời cũng thể hiện sự vất vả của người mẹ trong gia đình. Ngoài ra, bức tranh còn ẩn dụ một thực tế xã hội: một mẹ có thể nuôi được mười con, nhưng chưa chắc mười người con có thể nuôi được mẹ.
Đấu vật
Đấu vật là môn võ cổ truyền của Việt Nam xuất hiện từ khi lập quốc và tồn tại gắn liền với hoạt động bảo vệ tổ quốc và lễ hội xuân. Bức tranh “Đấu vật” là một bức tranh nổi tiếng của làng tranh Đông Hồ, tả cảnh đấu vật của những người đàn ông trong ngày xuân, các đấu thủ đều đóng khố – theo đúng phong tục của người Việt xưa để lộ thân hình vạm vỡ, tráng kiện.
Ý nghĩa bức tranh là đề cao tinh thần thượng võ của dân tộc, thể hiện sự phấn khởi cùng lời chúc sức khỏe tới mọi gia đình.
Đánh ghen
Đầu tiên về bức tranh Đông Hồ “Đánh Ghen” có nội dung miêu tả cảnh đánh ghen của một gia đình, người chồng ngoại tình để vợ bắt được, con trai thì trông thấy. Thế nhưng lại lại ngược với lẽ thường khi trước mặt vợ, người đàn ông vẫn ngang nhiên khoác vai ả tình nhân ra vẻ bảo vệ. Còn ả tình nhân khi gặp vợ cả cũng chẳng sợ sệt hay lén lút, mà trái lại còn rất vênh váo, khiêu khích.
Bức tranh này mang tính răn đe, nhắc nhở đối với cả 3 đối tượng như sau:
- Người chồng không nên có thói trăng hoa mà nên biết trân trọng vợ con, gia đình của mình
- Người vợ không nên tức giận làm mất giá trị của mình và nên quan tâm chồng hơn
- Người đàn bà không nên biến mình thành kẻ thứ ba, xen vào gia đình người khác và phá hoại hạnh phúc gia đình họ để tránh mang tiếng xấu ở đời
Ngoài ra, bức tranh còn phản ảnh hiện tượng xã hội đa thê thời bấy giờ một cách khéo léo nhưng rất mãnh liệt.
Hứng dừa
Ta có thể thấy bức tranh đang miêu tả một gia đình bao gồm người chồng đang leo lên cây dừa để hái quả – đây là một công việc vô cùng nguy hiểm nhưng để lo cho gia đình mà người chồng vẫn phải gánh vác, người vợ đang ở dưới hứng dừa giúp chồng và cuối cùng là 2 người con đang ôm cây dừa.
Đây là một bức tranh vô cùng ý nghĩa, biểu thị cho sự êm ấm hòa thuận trong gia đình, thể hiện sự vất vả và trách nhiệm của người chồng là trụ cột cho gia đình, người vợ chung tay với chồng để giữ gia đình luôn hạnh phúc. Bức tranh “Hứng dừa” như một lời chúc tới gia đình luôn được sung túc hạnh phúc, ca ngợi tình yêu đôi lứa.
Tranh Vinh hoa – Phú quý
Đây là một cặp tranh Đông Hồ nổi tiếng, nằm trong bộ tranh Lễ trí (tranh em bé ôm rùa); Nhân nghĩa (em bé ôm cóc); Vinh hoa (em bé ôm gà); Phú quý (em bé ôm vịt). Bốn bức tranh này thuộc loại tranh chúc tụng của làng tranh Đông Hồ, thường được treo cùng nhau trong dịp Tết đến, xuân về.
- Tranh vinh hoa là hình ảnh bụ bẫm ôm con gà trống bên chậu hoa cúc, biểu hiện lòng mong mỏi sinh được con trai khỏe mạnh, sau này lớn lên sẽ thành người thành đạt, vinh hiển… Gà trống, là biểu thị cho lời chúc đại cát, đại lợi, gà trống lớn trong tiếng Hán là đại kê, đồng âm với đại cát.
- Tranh phú quý là hình một bé gái ôm con vịt, với bông hoa sen (liên áp). Hoa sen gợi tới hình ảnh trong trắng, thanh cao “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.
Hai bức tranh này có bố cục đơn giản, tập trung đặc tả con người và các con vật, hoa lá, màu sắc tươi vui, các mảng màu mạnh mẽ, giàu tính trang trí gợi cảm. Đường nét to khỏe uyển chuyển, khuôn mặt em bé sinh động rạng rỡ, xinh xắn thật đáng yêu, con gà và con vịt tuy nằm phủ phục nhưng vẫn ngẩng cao đầu biểu hiện niềm khao khát vươn lên trong cuộc sống.
Ngày Tết treo cặp tranh Vinh hoa – Phú Quý thể hiện ước mơ của bao gia đình, mang ý nghĩa chúc tụng, cầu may cho gia đình có cuộc sống giàu sang, con cái đủ đầy, có trai, có gái.
Kết Luận
Trên đây là một số thông tin về Tranh Đông Hồ – di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đang được bảo tồn và phát triển, và giới thiệu tới các bạn 9 bức tranh vô cùng quen thuộc và ý nghĩa để mọi người có thể tham khảo, cũng như biết thêm về một nét văn hóa đẹp, một nghề dân gian của người Việt.
Tranh Đông Hồ không chỉ dừng lại là bức tranh treo tường trang trí ngày tết, đón mừng năm mới mà còn là một nét văn hóa nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, là biểu tượng của sự sáng tạo và nghệ thuật dân gian. Qua từng nét vẽ tinh tế, kỹ thuật khắc tranh gỗ phức tạp kết hợp với chất liệu tranh đặc biệt, tranh Đông Hồ đã thể hiện được sự sáng tạo trong nghệ thuật của người Việt, nội dung tranh lột tả đời sống xã hội và tinh thần của người nông dân nông thôn, đồng thời phản ảnh một cách chân thực đầy tính châm biếm về những vấn đề nhức nhối trong xã hội bất giờ như: tham nhũng, hối lộ, đa thê,… cùng với những lời chúc tụng cho năm mới được bình an, sung túc.
Tham khảo thêm những bài viết liên quan:
9 sự thật thú vị về Nhã nhạc cung đình Huế – Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận
Tết cổ truyền 2024 – Nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam
Obangsaek – Ý nghĩa của 5 màu sắc trong văn hóa Hàn Quốc khiến cả thế giới ấn tượng
Lễ hội anh đào – 1 nét đẹp truyền thống văn hóa Nhật Bản
Lã Quang Vinh – 21050357