Trào lưu ‘nằm yên, mặc kệ đời’ của giới trẻ đe doạ nền kinh tế- xã hội Trung Quốc

 

Với sự bùng nổ của nền kinh tế và sự thay đổi nhanh chóng, giới trẻ Trung Quốc không chỉ đối mặt với áp lực từ xã hội mà còn tạo ra một văn hóa riêng, nổi bật với triết lý “nằm yên mặc kệ đời.”. Họ cảm thấy vô nghĩa khi theo đuổi những định kiến về thành công truyền thống khi giá nhà và chi phí sinh hoạt ngày một tăng cao.

Nội dung tóm tắt

1.Trào lưu “Tang ping” là gì?

“Nằm yên, mặc kệ đời” tiếng Trung Quốc gọi là Tang Ping, đã trở thành trào lưu của người trẻ trong những năm gần đây.Triết lý này ám chỉ lối sống chỉ nằm một chỗ, không làm việc và lao động nâng cao năng suất xã hội. Thay vì cố gắng hướng tới học hành chăm chỉ, mua nhà hoặc lập gia đình, lối sống này cổ súy cho việc từ bỏ hết các mục tiêu và đơn giản là “nằm yên một chỗ”.

Một số người cho rằng đó chỉ đơn giản là sự lười biếng. Những người khác lại cho rằng đây là kết quả không thể tránh khỏi, khi mọi người đã làm việc quá vất vả và mệt mỏi tới mức họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc từ bỏ.

 Tang Ping - trào lưu buông bỏ của giới trẻ Trung Quốc hiện nay
 Tang Ping – trào lưu buông bỏ của giới trẻ Trung Quốc hiện nay

Vì sao nhiều người đồng cảm?

Triết lý này hiện đang được nhiều người trẻ tại Trung Quốc ủng hộ và áp dụng, vì họ cho rằng cuộc sống ngày càng khó khăn khi giá cả leo thang, làm việc nhiều nhưng đồng lương lại ít ỏi.

Hàng triệu người trẻ Trung Quốc đang phải trải qua văn hóa lao động 996, tức là làm từ 9h sáng tới 9h tối, 6 ngày/tuần. Tuy nhiên, dù họ làm chăm chỉ cỡ nào, tương lai mua nhà vẫn xa vời với nhiều người và họ không thể đạt được sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc, dẫn tới cảm giác chán nản.

 Văn hóa làm việc khắc nghiệt 996
 Văn hóa làm việc khắc nghiệt 996

Xem thêm :Người trẻ Trung Quốc và phong trào bỏ cuộc

Mục tiêu của họ là: “Với một ngày công, bạn có thể có được niềm vui trong ba ngày”. “Bí quyết” của họ là ngủ trong công viên, ăn mỳ ăn liền và ngồi lỳ trong các quán cung cấp dịch vụ internet cho tới khi nhẵn túi. Vì lẽ đó nên họ thường chọn những công việc làm ngắn hạn, thậm chí là nhận lương ngay trong ngày.

2.Hậu quả của lối sống nằm bẹp, mặc kệ sự đời, Tang Ping

Nếu người trẻ ngày càng thiên về chọn cách sống “nằm phẳng” thì sẽ mang lại những tác hại gì cho cá nhân và xã hội ?

2.1 Giảm nhu cầu của thị trường, lung lay động lực phát triển của kinh tế quốc gia.

 1 người trẻ Trung Quốc làm nghề dắt chó đi dạo
 1 người trẻ Trung Quốc làm nghề dắt chó đi dạo

Hiện nay, ở nhiều thành phố Trung Quốc, rất nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường không thể tham gia vào những vị trí công việc tương ứng với chuyên ngành được học của mình. Nhiều người sẽ chọn giao đồ ăn hoặc làm trái ngành nghề. Về lâu dài, nó sẽ ảnh hưởng ngày càng nhiều đến tư duy và tâm lý nghề nghiệp của giới trẻ, khiến giới trẻ cảm thấy việc học tập là vô nghĩa, từ đó giảm ham muốn tu dưỡng, phấn đấu.

Tiến sĩ Gavin Chiu Sin-hin – nguyên phó giáo sư tại Đại học Thâm Quyến – phân tích: “Trung Quốc vẫn chưa là quốc gia phát triển và xã hội nước này đã phải đối mặt nguy cơ dân số già trước khi kịp giàu”.

“Nếu trào lưu trở nên phổ biến, nó sẽ ảnh hưởng đến kỳ vọng của những người trẻ tuổi về tăng trưởng thu nhập, tiêu dùng, kết hôn và sinh con. Điều này sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu tránh bẫy thu nhập trung bình của Trung Quốc”. ông Chiu bổ sung.

2.2 Người trẻ sẽ bỏ phí thời gian mà lẽ ra phải dùng cho ‘vùng vẫy’, cho những nỗ lực vươn lên lớn nhất của đời người

 Gân 12 triệu sinh viên sẽ tốt nghiệp trong năm 2023, tạo ra áp lực lớn đối với thị trường việc làm
 Gân 12 triệu sinh viên sẽ tốt nghiệp trong năm 2023, tạo ra áp lực lớn đối với thị trường việc làm

Xem thêm: Quá chán đi làm, giới trẻ Trung Quốc chọn lối sống lang bạt khắp nơi  

Nếu những người trẻ tuổi thực sự tin rằng nằm xuống có thể giải quyết được vấn đề thì cuối cùng, họ sẽ phải trả giá cho quyết định của mình. Bởi khi lớn lên, người trẻ phải đối mặt với sự già đi của cha mẹ, với các khoản chi tiêu khác nhau của gia đình, cuối cùng người trẻ cũng vẫn phải dựa vào bản thân mà bản thân thì lại ẽo ợt do bao nhiêu năm triền miên nằm ườn.

Sức khoẻ thể chất và tinh thần của con trong độ tuổi 25-35 là phù hợp nhất cho những nỗ lực cường độ cao nhất. Do vậy người trẻ sẽ mất đi giai đoạn phấn đấu mạnh mẽ nhất của cuộc đời nếu chọn cách “nằm phẳng”.

Một khi đã bước qua độ tuổi thích hợp nhất để phấn đấu cao độ, mà vẫn thiếu trình độ và năng lực, thì có lẽ sẽ không còn cơ hội định vị bản thân trong xã hội nữa.

Khi đến một độ tuổi nhất định, có nhiều thứ muốn đạt được người ta sẽ phải chịu vất vả gấp mười lần so với khi còn trẻ. Vậy tại sao người trẻ không chọn “chiến đấu” ở độ tuổi sức khỏe dồi dào, có thể chịu đựng khó khăn và gian khổ?

2.3 Thất nghiệp gia tăng với những con số báo động.

Tỷ lệ thất nghiệp người trẻ Trung Quốc.
Tỷ lệ thất nghiệp người trẻ Trung Quốc.

Xem thêm: Kinh tế giảm tốc, thanh niên Trung Quốc đua nhau bỏ phố về quê

Văn hóa “Tap Ping” phản ánh sự cạnh tranh gay gắt mà giới trẻ Trung Quốc phải đối mặt: “Xã hội ngày càng cạnh tranh nhiều hơn, đặc biệt là do ảnh hưởng của đại dịch. Điều đó khiến người trẻ tuổi tìm việc làm rất khó khăn trong năm nay.”

Theo Cục Thống kê Quốc gia, tỷ lệ thất nghiệp của những người trong độ tuổi từ 16 đến 24 là gần 20% trong tháng 7, cao hơn nhiều so với tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị của cả nước là 5,6%. Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm tuổi này là 16,2% vào năm 2021, đến tháng 6 năm 2023, con số này nâng lên mức đáng báo động là 21,3%.

Nằm phẳng không giải quyết được vấn đề gì. Nó có thể được sử dụng như một biện pháp xoa dịu cảm xúc tạm thời của thế hệ trẻ, nhưng nó không nên bị tiêu cực hóa, trào lưu hoá thành cách sống, lối sống, thành trào lưu văn hoá.

3.Nhà chức trách Trung Quốc lên án văn hóa Tang Ping ở giới trẻ.

Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình lên án trào lưu Tang Ping
Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình lên án trào lưu Tang Ping

Tháng 10-2021, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chỉ trích công khai lối sống đang đe dọa cốt lõi học thuyết “giấc mộng Trung Hoa” của ông. Trong bài xã luận đăng trên tạp chí lý luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập khẳng định lối sống này cần bị gạt bỏ để “tránh sự thui chột của giai cấp xã hội, mở khóa cho việc thăng tiến, tạo cơ hội cho nhiều người làm giàu và hình thành môi trường phát triển mà mọi người đều được tham gia”.

Hiện nay, chính quyền Trung Quốc đang cố gắng để hạn chế sự lan tỏa của phong trào, đội kiểm duyệt nội dung mạng tại Trung Quốc đã bắt đầu mạnh tay với phong trào này. Bản tuyên ngôn của phong trào Tang Ping cùng hàng chục bài đăng đã bị gỡ bỏ khỏi các trang mạng xã hội tại quốc gia tỷ dân. Ngoài ra, mọi cuộc bàn luận cũng như hội nhóm về chủ đề này cũng bị quét sạch.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc gọi trào lưu trên là “đáng xấu hổ”. Hồ Tích Tiến, tổng biên tập Global Times, cho rằng: “Giới trẻ là niềm hy vọng của đất nước. Bản thân họ, và cả đất nước này, sẽ không cho phép họ nằm yên một chỗ.

Lời kết

Việc một bộ phận giới trẻ Trung Quốc ủng hộ trào lưu trên đã gây ra nhiều lo ngại và đặt ra những thách thức đối với đất nước tỷ dân này.

Xu hướng “mặc kệ đời” không chỉ tồn tại ở Trung Quốc mà còn xảy ra tại các nước Á Đông như Hàn Quốc, Nhật Bản. Khi người trẻ tại những nước này đang dần cảm thấy mệt mỏi về chuyện phải cố gắng làm việc chăm chỉ, trong khi thứ thu lại không được bao nhiêu.

Nhưng cũng chính suy nghĩ có vẻ là bình thường đó lại đem đến rất nhiều điều bất thường và đây thật sự là một liều thuốc độc. Lối sống “tang ping” sẽ đe dọa đến cuộc sống của giới trẻ, nó đi ngược lại với quy luật tiến hóa và còn là mối nguy hại lớn cho xã hội.

 

NGOÀI RA, BẠN CÓ THỂ THAM KHẢO NHỮNG THÔNG TIN THÚ VỊ KHÁC VỀ VĂN HÓA TẠI :

BUNKASAI – LỄ HỘI VĂN HÓA HỌC ĐƯỜNG TẠI NHẬT BẢN

9 sự thật thú vị về Nhã nhạc cung đình Huế – Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận

Khám phá văn hóa Ấn Độ – Vẻ đẹp truyền thống “tiểu lục địa

Khám phá văn hóa Nhật Bản – Top 6 điều thú vị có thể bạn chưa biết

 

 

                                                                                                                                                                                                Sinh viên thực hiện : Nguyễn Đăng Thái Anh

                                                                                                                                                                                               Mã sinh viên : 21050768

                                                                                                                                                                                              Lớp học phần : INE3104 8